Tuyển sinh lớp 10 theo chương trình mới: Nhiều áp lực với học sinh khối lớp 9
Năm học 2024 - 2025, học sinh lớp 9 sẽ là thế hệ đầu tiên tham gia thi tuyển sinh lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ðây là chương trình đặt ra yêu cầu cao về kỹ năng tư duy và ứng dụng, trong khi đó, nhiều phụ huynh lo lắng cho con em mình khi chưa được chuẩn bị đủ tốt.
Khó khăn trong tiếp cận môn học tích hợp
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hay còn quen được gọi là chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Lịch sử - Địa lý yêu cầu học sinh học theo mạch kiến thức và chủ đề. Nếu như những khóa học sau này đã dần đi vào ổn định thì lứa học sinh lớp 9 năm nay là lứa đầu tiên tiếp xúc với chương trình này nên chưa đủ thời gian để đồng bộ về phương pháp dạy và học. Điều này dẫn đến việc tiếp thu kiến thức gặp nhiều khó khăn khi các chủ đề được bố trí rời rạc, thiếu tính xuyên suốt, liền mạch.
Các trường tăng cường công tác giảng dạy, ôn tập cho học sinh lớp 9 kỳ thi tuyển sinh vào 10 theo chương trình mới.
- Trong ảnh: Một buổi học ôn tập trước kỳ thi học kỳ 1 tại Trường THCS thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). Ảnh: HỒ ĐIỂM
Trong khi đó, giảng dạy theo hướng tích hợp cũng là một thách thức, yêu cầu cao với chính các giáo viên, buộc họ phải nỗ lực tiếp cận nhiều hơn. Ông Lê Ngọc Diệp, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thuận (huyện Tuy Phước), chia sẻ: Môn tích hợp yêu cầu rất cao về chuyên môn, buộc giáo viên phải dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô trong tổ chuyên môn thường xuyên hỗ trợ, bổ sung và phối hợp chặt chẽ để mỗi bài giảng đem lại hiệu quả cao.
Phụ huynh và học sinh thuộc đối tượng tuyển sinh lớp 10 năm nay vẫn còn lo lắng khi đến nay chưa có quy định cụ thể về môn thi thứ 3. Ngày 18.10, Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, nhưng bên cạnh 2 môn chính Toán và Ngữ văn, đến nay vẫn chưa cho biết môn thi thứ 3 cụ thể là môn nào. Theo dự thảo, các địa phương sẽ quyết định phương thức tuyển sinh, nhưng vẫn chưa rõ phương án cuối cùng cho các môn thi.
Chị Nguyễn Tuyết Mai, phụ huynh một học sinh lớp 9 tại TP Quy Nhơn, lo lắng: Chương trình mới vốn đã khá nặng, hiện môn thi thứ 3 vẫn chưa có thông tin chính thức, điều này tạo áp lực lên các con rất lớn. Thời gian học ôn còn lại rất ngắn, trong khi phải vừa học và ôn tập nhiều môn, tôi nghĩ các con sẽ quá tải.
Em Võ Huỳnh Thiên Kim, học sinh lớp 9A1, Trường THCS thị trấn Tuy Phước, bày tỏ: Chúng em không biết cần tập trung vào môn nào nên cũng khá căng thẳng. Tuy nhiên, bản thân em đã tự xây dựng kế hoạch học tập chi tiết, cụ thể và chủ động định hướng thời gian, lộ trình ôn tập cụ thể, với sự hỗ trợ, chỉ bảo của thầy cô, em nghĩ rồi cũng sẽ ổn.
Nỗ lực giảm áp lực cho học sinh
Những vấn đề nêu trên tác động không nhỏ đến tâm lý học sinh trong quá trình ôn tập cho thi vào lớp 10. Ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát, cho biết: Ngay từ năm học đầu tiên khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo tập trung cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đến việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên; chuẩn bị tâm lý cho học sinh và phụ huynh để sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào 10. Phòng đã chỉ đạo 18/18 trường THCS tổ chức Hội thảo tuyển sinh vào lớp 10. Các trường tổ chức các buổi tập huấn chuyên môn sâu, giúp giáo viên cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy mới.
Tương tự, ông Châu Minh Hưng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn, nhận định: Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phòng tăng cường quán triệt các trường THCS tập trung giảng dạy theo hướng bao quát, có tổ chức, có kế hoạch, không bỏ sót bất kỳ môn học nào, tránh trường hợp học tủ, học lệch…
Các giáo viên cũng cố gắng linh hoạt trong giảng dạy. Thầy Man Đức Bơ, giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Phước Thuận (huyện Tuy Phước), chia sẻ: Chúng tôi áp dụng phương pháp đổi mới, tăng cường thực hành và sử dụng tài liệu đa dạng để giúp học sinh dễ hiểu hơn. Thầy cô giáo trong tổ cũng hỗ trợ công tác chuyên môn, nỗ lực giảng dạy và định hướng cho học sinh.
HỒ THỊ ĐIỂM