Chất vấn Bộ trưởng Bộ TNMT: Nhiều bức xúc về đất đai, khoáng sản
Sáng 29.9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội trong khuôn khổ phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải trình về các nội dung xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân; công tác quy hoạch sử dụng đất, tình hình sử dụng đất trồng lúa và chủ trương chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa; biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí; kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường…
Chưa hướng dẫn được vì phải… chờ nhiều quy định khác
Là người “mở màn” chất vấn, ĐB Nguyễn Minh Chiến (Bạc Liêu) nhận xét, về cơ bản, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai đã được Bộ ban hành khá kịp thời nhưng đến nay vẫn chưa có quy định về việc người được giao/cho thuê đất thực hiện ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án như thế nào. Tương tự, Luật Đất đai quy định Chính phủ ban hành định kỳ khung giá đất 5 năm 1 lần, địa phương căn cứ vào đó để xây dựng bảng giá của địa phương mình; nhưng “Bộ đã tham mưu Chính phủ chưa mà giờ này địa phương có để tính toán, ban hành cụ thể khung giá đất của địa phương mình”?
Đi vào một vấn đề cụ thể tại Hà Nội, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Bình Thuận) nói: “Chúng tôi được biết, ngoài câu chuyện cấp sổ đỏ cho người đã chết, còn có sự chậm trễ, tham nhũng trong việc cấp sổ đỏ cho các dự án chung cư. Có dự án bàn giao cả năm mà người dân vẫn không được cấp sổ, ai đóng “phí bôi trơn” 8 triệu đồng mới được cấp. Quy trình, thời hạn giải quyết rất mập mờ. Dân bức xúc gửi văn bản lên Sở Tài nguyên và Môi trường thì không được trả lời. Các quy định của Bộ về vấn đề này thế nào? Bộ có thường xuyên thanh kiểm tra thực tế tại các địa phương?”.
Trả lời ông Nguyễn Minh Chiến, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, việc ký quỹ thực hiện dự án có liên quan đến pháp luật về đầu tư, do đó phải đợi Luật Đầu tư sửa đổi được thông qua để thống nhất quy định về ký quỹ.
“Bộ thực sự còn nợ 2 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và khung giá. Nhưng phải có nghị định về giá mới quy định được khung giá. Chúng tôi sẽ trình Chính phủ trong tháng 9; từ tháng 1.2015 sẽ áp dụng khung giá đất mới. Dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được trình Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải trình.
Trả lời ĐB Nguyễn Sỹ Cương, ông Nguyễn Minh Quang nhận định, việc cấp sổ đỏ chậm có nhiều nguyên nhân, không loại trừ tiêu cực. Trong đó có trách nhiệm của Văn phòng đăng ký đất đai tại các địa phương, nhất là tại đô thị. Với Hà Nội, tình hình cấp sổ đỏ tại các chung cư đúng là khá phức tạp; Bộ đã cử nhiều đoàn công tác xuống để hướng dẫn pháp luật, phối hợp tìm giải pháp. Trong Bộ thủ tục hành chính về đất đai mà Bộ đã công bố cuối tháng 8 thì thủ tục đã được rút gọn rất nhiều, nhưng còn do người thực hiện trực tiếp có thực hiện đúng hay không lại là vấn đề khác...
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhẹ: “Xin Bộ trưởng lưu ý bây giờ đã là cuối tháng 9”.
Luật Đất đai làm khó nhà đầu tư?
Hai lần đứng dậy để nêu và sau đó tiếp tục làm rõ câu hỏi, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM, TS Trần Du Lịch cho biết, khi Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Luật Kinh doanh bất động sản thì các nhà đầu tư phản ánh một bức xúc lớn.
“Họ có nói với chúng tôi là phải phân biệt 2 trường hợp được giao đất; một là chưa đền bù giải tỏa, cái này phải ký quỹ thì đúng rồi; nhưng trường hợp thứ 2 là nhà đầu tư đã bỏ tiền ra đền bù rồi, nói nôm na là “mua” đất của người sử dụng rồi thì bắt họ bỏ thêm tiền ra ký quỹ là vô lý”, ông Trần Du Lịch nói.
Vẫn theo ĐB Trần Du Lịch, Hiệp hội Khu công nghiệp (KCN) TPHCM cho biết, theo quy định hiện hành thì chỉ khi đóng hết tiền sử dụng đất một lần cho cả thời gian thuê, nhà đầu tư KCN mới được cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất dài hạn (50 năm) để có thể thế chấp, vay vốn ngân hàng. Các DN thuê đất trong KCN thì muốn trả tiền một lần, nhưng nhà đầu tư KCN thì không thể cho thuê được 100% diện tích đất, “bắt” nhà đầu tư đóng hết cả cục là làm khó họ, nên cho phép cho thuê được đến đâu đóng tiền đến đó (và cấp giấy). Có như vậy thì các DN trong khu (đã đóng hết tiền một lần) mới có cơ hội thế chấp giấy để vay vốn ngân hàng. “Như thế, Luật chưa vào đến cuộc sống đã tắc rồi”, ông Trần Du Lịch thẳng thắn nhận định khi tái chất vấn.
Chia sẻ với khó khăn của các nhà đầu tư, ông Nguyễn Minh Quang cho biết, trường hợp đã đền bù giải tỏa xong thì không phải đóng tiền ký quỹ. Riêng về quy định đóng tiền một lần để được cấp GCN có thể thế chấp vay vốn ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết việc này còn liên quan đến các quy định của ngân hàng. Ông ghi nhận, tiếp thu và hứa sẽ bàn với các cơ quan có liên quan để hướng dẫn rõ hơn…
Bên cạnh lĩnh vực đất đai, các vị ĐBQH cũng nêu nhiều chất vấn về hiệu quả quản lý, khai thác khoáng sản, đặc biệt là với cát sỏi lòng sông – một việc làm “rút ruột quốc gia, hủy hoại môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của nhân dân” – như nhận xét của ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp. Tình trạng “người cần không có, người có không cần, nhưng không trả lại” đối với đất nông nghiệp; sự chậm trễ trong đo vẽ, lập hồ sơ và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất nông lâm trường… cũng là những vấn đề được đặt ra cho người đứng đầu ngành Tài nuyên và Môi trường.
Theo Anh Phương (SGGP)