Những “mẹ đỡ đầu” là quân nhân
Chia sẻ với mất mát của những em nhỏ không may mồ côi do đại dịch Covid-19, nhiều nữ quân nhân đã trở thành mẹ đỡ đầu hỗ trợ chăm sóc các em. Nhờ có mẹ, các em có thêm chỗ nương tựa, thêm vòng tay ấm áp, chở che.
Mang “hơi ấm mẹ” đến trẻ mồ côi
Trước đau thương của nhiều gia đình và nhiều em nhỏ vì đại dịch Covid-19, 17 đầu mối, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh nhận đỡ đầu 17 em nhỏ mồ côi. Trong đó, có lẽ gia cảnh của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung (ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) là địa chỉ chịu nhiều thương xót nhất.
Năm 2021, con dâu bà Nhung là chị Lê Thị Lâm (SN 1986) qua đời do Covid-19 khi đang mang thai bé Tạ Lê Khánh Lưu được 7 tháng rưỡi. Chị Lâm mất sau khi sinh bé Lưu (đẻ mổ). 3 đứa con thơ của chị gồm: Tạ Hầu Ân (SN 2012), Tạ Lê Bảo Ngọc (SN 2018), Tạ Lê Khánh Lưu (SN 2021) lần lượt được nhận đỡ đầu. Trong đó, em Tạ Hầu Ân được Trung đoàn Bộ binh 739 đỡ đầu, em Tạ Lê Bảo Ngọc do Ban CHQS TP Quy Nhơn nhận đỡ đầu, còn bé Tạ Lê Khánh Lưu được Hội Phụ nữ cơ quan Bộ CHSQ tỉnh đỡ đầu.
Nhớ lại lúc nhận đỡ đầu bé Lưu, thượng tá Lê Thị Mỹ Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh xúc động kể: “Đã làm mẹ, chúng tôi hiểu rõ ngoài sữa mẹ, các con rất cần tình thương, hơi ấm cũng như là sự chia sẻ của người phụ nữ, người mẹ. Vì vậy, chúng tôi quyết định nhận đỡ đầu Tạ Lê Khánh Lưu!”.
Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu em Nguyễn Lâm Phong. Ảnh: CÔNG CƯỜNG
Tương tự, em Nguyễn Lâm Phong (SN 2014, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) cũng không may mất mẹ do Covid-19. Theo thiếu tá Đinh Thị Mỹ Linh, Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh, mẹ mất, Phong sống với ba đang là giáo viên dạy tiểu học. Trên Phong còn có một chị gái. Với mức lương của giáo viên tiểu học, ba Phong khá chật vật khi lo toan cho cả gia đình. Nhằm chia sẻ khó khăn với gia đình cháu, đặc biệt muốn cháu có thêm sự quan tâm, các cô thuộc Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu.
Hay Hội Phụ nữ thuộc Lữ đoàn 573 (Quân khu 5, đóng tại TX An Nhơn) cũng đã chủ động phối hợp với Hội LHPN TX An Nhơn nhận đỡ đầu em Trần Gia Phúc (SN 2019, ở phường Nhơn Thành) và em Lê Thành Danh (SN 2013, ở xã Nhơn Mỹ). Cả 2 em đều là trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tại thị xã.
Thiếu tá Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ Lữ đoàn 573 chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn các con có thêm người thân để lắng nghe mong muốn và được hỗ trợ kịp thời những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Qua đó, các con có thể cảm nhận mình không bị lẻ loi”.
Đồng hành cùng con
Không chỉ hỗ trợ kinh phí hằng tháng, các mẹ còn gần gũi, quan tâm các con qua những chặng trưởng thành. Thượng tá Lê Thị Mỹ Liên tâm sự: “Nhận đỡ đầu không chỉ là gửi kinh phí hỗ trợ cho con mỗi tháng đến khi 18 tuổi mà còn quan tâm sức khỏe, việc học hành, vui buồn của con… Ngoài thường xuyên thăm nom, tặng quà những ngày lễ, tết, sinh nhật, dịp năm mới đến, chúng tôi còn sắp xếp để dắt các con đi chợ mua sắm đồ Tết, khai giảng. Chúng tôi làm hết sức để bù đắp lại phần nào mất mát, thiếu hụt khi mẹ các con không may qua đời!”.
Tương tự, các mẹ ở Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh hay các mẹ thuộc Hội Phụ nữ Lữ đoàn 573 cũng đều quan tâm các con từ những đều nhỏ nhặt như thế. Các mẹ lo cho các con từ sách vở, đồng phục mỗi khi đến năm học mới; đồng thời quan tâm đến học lực để động viên các con cố gắng nhiều hơn.
“Mẹ đỡ đầu” Nguyễn Thị Tuyến thăm gia đình em Lê Thành Danh. Ảnh: NVCC
Kể về các con đỡ đầu, thiếu tá Nguyễn Thị Tuyến cho biết cả 2 con đều có hoàn cảnh đáng thương, nhưng với Danh khiến các “mẹ quân nhân” đều rất nặng lòng. Danh mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với bà nội đã già yếu nhưng hàng ngày vẫn phải lo toan gánh hàng rong để kiếm sống. Vì thiếu sự quan tâm và vất vả, Danh rất khép kín, nhút nhát.
“Đó cũng là điều chúng tôi bận tâm vì sợ rằng khi đi học hay giao tiếp con sẽ có rào cản. Nhưng vui thay, gần đây con đã dạn dĩ, vui vẻ hơn, chúng tôi cũng đã yên tâm phần nào”, thiếu tá Tuyến phấn khởi nói.
Đặc biệt, dù chỉ nhận đỡ đầu bé Tạ Lê Khánh Lưu nhưng cả 3 anh em Lưu đều được các mẹ ở Hội Phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh quan tâm, thăm hỏi. Các mẹ còn vận động nhà hảo tâm để đồng hành hỗ trợ thêm cho các em. Đối với các em, các “mẹ đỡ đầu” đã là người thân của mình.
Là anh cả, em Tạ Hầu Ân đã sớm hiểu được những đau thương mất mát để trưởng thành, hiểu chuyện hơn các bạn cùng trang lứa. “Ngoài động viên, chăm lo, biết em bị mắc bệnh thận, các mẹ cũng thường xuyên hỏi thăm sức khỏe của em. Các mẹ cũng lắng nghe mong muốn và đồng hành cùng em. Rất biết ơn các mẹ đã yêu thương, chăm sóc 3 anh em chúng em”, Ân bộc bạch.
THẢO KHUY