Tác giả đường bay thẳng đề xuất làm đại lộ nối ba nước Đông Dương
Trục đại lộ sẽ chạy qua ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia tạo thuận lợi cho việc lưu thông, tăng động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Mới đây, cựu phi công Mai Trọng Tuấn - người đề xuất ý tưởng về “đường bay vàng” lại có thêm một đề xuất táo bạo khi gợi ý xây dựng tuyến đại lộ xuyên suốt qua 3 nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia. Ông Tuấn gọi đây là tuyến “Đại lộ xương sống”, nếu được thực hiện sẽ tăng sự phát triển vững mạnh về kinh tế, văn hoá và đời sống cho nhân dân ba nước, theo kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Theo phác thảo sơ bộ về “Đại lộ xương sống” của ông Mai Trọng Tuấn, tuyến đường sẽ chạy theo hướng Bắc – Nam, khởi điểm từ đèo Mụ Dạ của Việt Nam, qua biên giới Việt - Lào, nối với 4 điểm nằm trên đất nước Lào, qua 2 điểm trên đất nước Campuchia và điểm kết thúc tại địa phận tỉnh Bình Phước của Việt Nam.
Ước tính tổng chiều dài toàn tuyến sẽ là 1.000km, phần nằm trên đất Việt Nam có chiều dài 30km, phần nằm trên đất Lào 560km và 410 km tuyến đường sẽ nằm trên phần lãnh thổ Campuchia.
Ông Tuấn cho rằng, khi có “Đại lộ xương sống”, từ thủ đô cũng như các tỉnh, thành khác của ba nước theo những con đường trên lãnh thổ của mình chỉ cần nối vào “Đại lộ xương sống” sẽ tạo nên một hệ thống giao thông khép kín, linh hoạt và tiện lời, rút ngắn thời gian lưu thông.
Đặc biệt, nếu có tuyến đường này, Việt Nam sẽ là quốc gia có lợi nhiều nhất, bởi đây sẽ là con đường ngắn nhất nối hai vùng trọng điểm kinh tế của Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đã có hai con đường phía Đông và phía Tây, nối Thủ đô Hà Nội với TP HCM có cự ly 1.700km và 1.900km. Nếu theo “Đại lộ sương sống”, cự ly sẽ rút ngắn được trên 300 km cho đường 1A và 500km cho đường Hồ Chí Minh.
Khi có “Đại lộ xương sống” sẽ phân chia lưu lượng phương tiện lưu thông khá lớn, giảm thiểu tai nạn giao thông, việc lưu thông theo đường bộ Bắc Nam của Việt Nam rút ngắn được cự ly, vận tốc tăng lên, độ an toàn cao hơn. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, các tuyến đường Bắc - Nam của Việt Nam thường xuyên bị hư hại, “Đại lộ xương sống” sẽ giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông đường bộ.
Ngoài ra, “Đại lộ xương sống” sẽ dễ dàng kết nối hai vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam cũng như các tỉnh, thành khác với vùng Hạ Lào, phía Đông và phía Đông Bắc Campuchia, tạo thuận lợi cho việc thông thương làm ăn, buôn bán, mở rộng khả năng xuất nhập khẩu từ các nước phía Đông Bắc châu Á và Đông Nam Trung Quốc qua các cảng biển của Việt Nam.
Đặc biệt, ông Tuấn cho rằng, khi đã có “Đại lộ xương sống”, theo tuyến này có thể kết hợp với một tuyến đường sắt cao tốc chạy song song, phục vụ đi lại cho người dân 3 quốc gia. Những điểm từ các con đường của 3 quốc gia nối vào “Đại lộ xương sống” sẽ là những nhà ga cho dân chúng từ Thượng Lào xuống Hạ Lào, dân Việt Nam từ Bắc vào Nam, dân Campuchia từ Phnom Penh nối sang.
Theo Nguyễn Quỳnh (VOV)