Phát triển nhà ở xã hội theo mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng
(BĐ) - Ngày 20.12, Sở Xây dựng tổ chức Hội nghị phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho hay, đến hết quý III/2024, cả nước có khoảng 500 công trình xanh được chứng nhận, với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận khoảng trên 12,2 triệu m2. Hiện có 4 hệ thống đánh giá, chứng nhận công trình xanh phổ biến ở Việt Nam, gồm: LOTUS, EDGE, LEED, GREEN MARK.
Ông Phạm Huy Tuấn, Giám đốc kỹ thuật Bộ phận Quản lý bất động sản Savills Hà Nội, nêu vấn đề phát triển công trình xanh cần được thực hiện một cách toàn diện ngay ở những giai đoạn ban đầu, từ vật liệu xây dựng, vỏ bọc công trình đến hệ thống cơ điện hiện đại và tự động hóa để đảm bảo hiệu quả. Ảnh: M.H
Tại Bình Định, hiện có 4 công trình đạt chứng nhận công trình xanh, với diện tích sàn xây dựng 255.888 m², trong đó có 1 dự án NƠXH là EcoHome Nhơn Bình do Công ty TNHH EcoHome Nhơn Bình - thành viên Tập đoàn Capital House, làm chủ đầu tư - xây dựng theo tiêu chuẩn chứng chỉ xanh quốc tế EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Bình Định xếp thứ 10/63 tỉnh, thành cả nước về công trình xanh.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư NƠXH cho rằng, phát triển công trình xanh, NƠXH xanh là xu hướng tất yếu, mang lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, công trình xanh là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.
Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh, NƠXH xanh gặp nhiều rào cản, khó khăn về cơ chế, chính sách; chưa có các cơ chế ưu đãi tín dụng hiệu quả, dễ tiếp cận; định mức kinh tế kỹ thuật, suất đầu tư về công trình xanh cho dự án đầu tư công còn chưa đầy đủ (mới có suất vốn đầu tư công trình xanh theo tiêu chuẩn LOTUS cho công trình bệnh viện, theo quyết định 816/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng)…
Trên cơ sở đó, kiến nghị cần hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, suất đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật cho hoạt động phát triển công trình xanh. Xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển công trình xanh (cơ chế huy động và đa dạng hóa nguồn lực tài chính hỗ trợ phát triển công trình xanh; hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn tài chính xanh của các tổ chức trong và ngoài nước; khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển công trình xanh; hệ thống tài chính các-bon và hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính gắn với công trình xanh…
Mặt khác, cần thay đổi chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, tăng cường áp dụng công nghệ xanh và vật liệu địa phương…
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Sơn cho hay, đến nay Bình Định đã đưa vào sử dụng 4.427 căn NƠXH; đồng thời, đang triển khai các thủ tục đầu tư tiếp cho 8 dự án với hơn 4.000 căn. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 12.900 căn NƠXH. Song song với phát triển NƠXH, Bình Định chú trọng đưa các yếu tố bền vững, thân thiện với môi trường vào trong quá trình xây dựng các dự án. Đây không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là xu hướng tất yếu phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.
MAI HOÀNG