Phát triển bền vững cây mì
Năm nay, cây mì cho năng suất khá cao nhờ được chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi, nhưng giá thu mua lại giảm, khiến người trồng không khỏi lo lắng. Trong bối cảnh này, việc nâng cao giá trị cây mì, đảm bảo phát triển bền vững đòi hỏi tính liên kết chặt chẽ giữa người trồng và các nhà máy chế biến tinh bột mì.
Giá giảm ảnh hưởng đến tính bền vững
Chị Hà Thị Như Nguyệt, 46 tuổi, ở thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) trồng 18 ha mì KM94, ngoài ra còn mua thêm mì của bà con trong vùng để bán. Sau 10 tháng chăm sóc, cây mì cho năng suất ước đạt từ 1,5 - 1,7 tấn/sào (500 m2/sào), tương đương năm ngoái. Chị thổ lộ, năm nay thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên năng suất mì ổn định. Tuy nhiên, giá mì lại giảm đáng kể. Đầu vụ, được giá 3.300 đồng/kg (mì có hàm lượng tinh bột 30%), giảm 400 - 500 đồng/kg so với năm ngoái. Đến giữa tháng 12, giá mì rớt còn 2.700 đồng/kg.
Theo ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, năm nay, huyện Vân Canh có hơn 450 ha mì, năng suất ước đạt từ 24 - 25 tấn/ha, tăng khoảng 1 tấn/ha so với năm ngoái. Dù giá mì giảm nhưng nhờ các DN chế biến hỗ trợ, người trồng mì vẫn có lãi. Tuy nhiên giá mì thấp có thể ảnh hưởng đến tâm lý người trồng mì, thậm chí sẽ kéo dài nếu không có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa DN chế biến với người trồng mì.
Theo kế hoạch, đến giáp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người trồng mì ở Bình Định sẽ hoàn thành vụ thu hoạch. Giá mì giảm, dù kém vui nhưng nhìn chung người trồng mì vẫn có lãi. Tuy nhiên, điều này lại ảnh hưởng đến tính bền vững của diện tích mì, nghề trồng mì; đặc biệt khi giá trị của cây mì phụ thuộc lớn vào sự biến động của thị trường.
Tương tự, tại huyện Vĩnh Thạnh, nơi có hơn 1.200 ha mì, người trồng mì cũng đang đối mặt với tình trạng giá mì rớt khá sâu. Ông Trần Minh Thường, Phó Giám đốc Công ty TNHH tinh bột sắn Nhiệt Đồng Tâm Vĩnh Thạnh, cho biết, đầu vụ giá mì ở mức 3.200 đồng/kg, nhưng do thị trường xuất khẩu tinh bột mì giảm mạnh trong 2 tháng qua, công ty phải mua với giá 2.500 đồng/kg, thấp hơn từ 500 - 700 đồng/kg so với trước đó. Một phần nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc - nơi tiêu thụ tinh bột mì Việt Nam lớn nhất - giảm sức mua; thêm vào đó là các quốc gia như Lào, Thái Lan cũng gia tăng sức cạnh tranh bằng tăng sản lượng, chào bán với giá thấp hơn Việt Nam.
Thu hoạch mì tại rẫy của gia đình chị Hà Thị Như Nguyệt. Ảnh: TRỌNG LỢI
Định hướng phát triển cây mì bền vững
Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển bền vững cây mì chính là xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Ông Mai Đình Chương, Phó Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm (Vân Canh), cho hay, để ổn định sản xuất mỗi ngày nhà máy mua từ 600- 800 tấn mì nguyên liệu, chủ yếu từ Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum. Điều này chứng tỏ nhu cầu về mì nguyên liệu rất lớn và cần đảm bảo nguồn cung ổn định. Vụ sản xuất năm 2025, Công ty dự kiến hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng mì thêm 500 - 700 ha so với năm 2024, cung cấp giống mì KM94 sạch bệnh khảm lá để đảm bảo nguồn giống cho các vụ mùa tiếp theo.
Cây mì hiện nay là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Định. Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, cây mì tiếp tục được chú trọng phát triển, đặc biệt là những giống có năng suất cao, chất lượng tốt. Tổng diện tích mì của tỉnh hiện là 9.377 ha, chủ yếu là giống KM94 (chiếm 90% diện tích). Mặc dù năng suất năm 2024 có tăng nhẹ (282,9 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với năm trước), nhưng như đã đề cập ở trên, ngành mì vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về giá cả và thị trường tiêu thụ.
Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), tỉnh sẽ duy trì diện tích trồng mì ở mức khoảng 9.290 ha trong năm 2025, với năng suất bình quân đạt 284 tạ/ha và sản lượng đạt 263.600 tấn. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu mở rộng diện tích trồng mì lên 10.000 ha, đạt năng suất 330 tạ/ha và sản lượng 360 nghìn tấn. Một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển các giống mì có chất lượng cao, chống chịu bệnh tốt như HN1, HN3, HN5, đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển.
Đặc biệt, để phát triển cây mì bền vững, tỉnh sẽ khuyến khích hình thành các vùng sản xuất mì tập trung gắn với các nhà máy chế biến, thực hiện liên kết vùng sản xuất và tiêu thụ. Các HTX và nhà máy chế biến sẽ được khuyến khích ký kết hợp đồng dài hạn với nông dân để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và tăng cường giá trị cho cây mì. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ các mô hình canh tác mới như trồng mì luân canh với đậu phụng hoặc theo cơ cấu vụ: Đậu phụng vụ Đông Xuân - mì (vụ Hè Thu) ở các huyện như Phù Cát, Tây Sơn, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
TRỌNG LỢI