Phát triển nhà ở xã hội theo mô hình xanh, tiết kiệm năng lượng: Nhiều rào cản nhưng là xu hướng tất yếu
Việc xây dựng nhà ở xã hội xanh sẽ góp phần giảm phát thải, nâng cao chất lượng đời sống người dân, tuy nhiên để phát triển mô hình này cần vượt qua nhiều rào cản.
Đó là vấn đề quan trọng được đặt ra tại Hội nghị phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh, do Sở Xây dựng tổ chức ngày 20.12.
Nhà xanh giúp giảm 20% chi phí
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho hay, đến hết quý III/2024, cả nước có khoảng 500 công trình xanh được chứng nhận, với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận hơn 12,2 triệu m2. Hiện có 4 hệ thống đánh giá, chứng nhận công trình xanh phổ biến ở Việt Nam, gồm: LOTUS, EDGE, LEED, GREEN MARK.
Tại Bình Định, hiện có 4 công trình đạt chứng nhận công trình xanh, với diện tích sàn xây dựng 255.888 m²; xếp thứ 10/63 tỉnh, thành. Trong đó EcoHome Nhơn Bình do Công ty TNHH EcoHome Nhơn Bình - thành viên Tập đoàn Capital House, làm chủ đầu tư là NƠXH đầu tiên tại Bình Định xây dựng theo tiêu chuẩn chứng chỉ xanh quốc tế EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Dự án có quy mô diện tích 46.034 m2 tại phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), 1.380 căn hộ, tổng mức đầu tư 1.402 tỷ đồng; đã hoàn thành giai đoạn 1 hơn 400 căn, giai đoạn 2 sẽ triển khai từ năm 2025 - 2027.
Để đạt chứng chỉ xanh EDGE, EcoHome Nhơn Bình phải đạt các tiêu chuẩn thiết kế, thi công công trình đáp ứng điều kiện mức tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu giảm ít nhất 20% so với một công trình điển hình. Hệ thống chiếu sáng EcoHome Nhơn Bình đưa vào sử dụng là hệ thống đèn led tiết kiệm điện. Hệ thống nước lắp đặt trong căn hộ sử dụng vật liệu tiết kiệm nước, hệ thống tưới cây nhỏ giọt toàn bộ khu vực cảnh quan sân vườn. Chủ đầu tư thực hiện biện pháp cách nhiệt mái bằng cách phủ xanh tự nhiên từ thảm cỏ, vườn cây, hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời…
“Chi phí đầu tư giai đoạn 1 của EcoHome Nhơn Bình là 393 tỷ đồng, chi phí phụ trội 1 - 1,5% (khoảng 3,93 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong năm 2023, tổng lượng điện tiêu thụ 2 tòa nhà đã tiết kiệm cho cư dân 24%; lượng nước tiết kiệm được 22%...”, ông Nguyễn Đức Quang, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Capital House, nói.
Theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, công trình xanh là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.
Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh, NƠXH xanh gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Công Thịnh cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật… cho hoạt động phát triển công trình xanh. Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển công trình xanh; khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển công trình xanh…
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) nêu những rào cản, thách thức trong phát triển công trình xanh, NƠXH xanh. Ảnh: M.H
Tiêu chuẩn xanh từ thiết kế đến thi công, vận hành
Theo ông Phạm Huy Tuấn, Giám đốc kỹ thuật Bộ phận Quản lý bất động sản Savills Hà Nội, chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu, mang lại nhiều giá trị dài hạn cho DN bất động sản. Nếu không thích nghi được với thị hiếu toàn cầu này, các tòa văn phòng, chung cư, NƠXH hiện nay sẽ mất dần giá trị và không giữ chân được khách thuê lâu dài, trở thành những tài sản “bị mắc kẹt” trong tương lai.
“Phát triển tòa nhà xanh, NƠXH xanh đòi hỏi quá trình nghiên cứu, xây dựng kế hoạch cho các công đoạn khác nhau của dự án. Sự phối hợp giữa chủ đầu tư, nhà phát triển, đội ngũ quản lý và người sử dụng đóng vai trò cốt yếu trong nỗ lực hạn chế phát thải ròng của ngành bất động sản. Do đó, việc phát triển công trình xanh, NƠXH xanh cần được thực hiện một cách toàn diện ngay ở những giai đoạn ban đầu, từ vật liệu xây dựng, vỏ bọc công trình đến hệ thống cơ điện hiện đại và tự động hóa để đảm bảo hiệu quả”, ông Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Phương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TMN, nêu thách thức trong đầu tư NƠXH xanh như: Thời gian thi công kéo dài, chi phí phát sinh lớn, vật liệu và công nghệ truyền thống gây lãng phí và khó bảo trì… Do đó, cần thay đổi chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, tăng cường áp dụng công nghệ xanh và vật liệu địa phương…
Những năm qua, Bình Định đã nỗ lực triển khai nhiều dự án NƠXH nhằm đáp ứng nhu cầu an cư cho người dân, đặc biệt người có thu nhập thấp, công nhân lao động… Đến nay, đã đưa vào sử dụng 4.427 căn NƠXH; đồng thời đang triển khai các thủ tục đầu tư tiếp cho 8 dự án với hơn 4.000 căn. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 12.900 căn NƠXH. “Song song đó, tỉnh chú trọng đưa các yếu tố bền vững, thân thiện với môi trường vào trong quá trình xây dựng các dự án. Đây không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là xu hướng tất yếu phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Sơn nhấn mạnh.
MAI HOÀNG