PHONG TRÀO HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN Ở HUYỆN MIỀN NÚI VĨNH THẠNH:
Lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo người dân tham gia
Những năm gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh đã trở thành điểm sáng của tỉnh. Phong trào đã lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu máu trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
Xác định hiến máu tình nguyện là nghĩa cử cao đẹp, huyện Vĩnh Thạnh đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, mang lại kết quả ấn tượng. Trong năm 2023, huyện đã tổ chức 2 đợt hiến máu, tiếp nhận được 589 đơn vị máu, đạt 147% kế hoạch tỉnh giao. Năm 2024, huyện tiếp tục gặt hái thành công với 536 đơn vị máu hiến tình nguyện, đạt 134% kế hoạch.
Nhằm đẩy mạnh phong trào hiến máu, huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa. Trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán của người dân miền núi, các tình nguyện viên và hội viên CTĐ đã tiếp cận, vận động người dân tham gia hiến máu. Nhờ phương châm “mưa dầm thấm sâu”, nghĩa cử cao đẹp “hiến máu cứu người” đã thực sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Chị Đinh Thị Xết (ở làng 6, xã Vĩnh Thuận) tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: XUÂN DŨNG
Chị Cao Thị Hoài Nhị (xã Vĩnh Hảo) là tấm gương điển hình với 15 lần hiến máu. Chị Nhị chia sẻ: “Hiến máu không chỉ là cứu người mà còn là cách tôi cảm nhận sâu sắc giá trị của lòng nhân ái. Mỗi lần tham gia, tôi đều nghĩ đến những bệnh nhân đang chờ máu để duy trì sự sống và điều đó thôi thúc tôi tiếp tục hiến máu và vận động người thân cùng tham gia”.
Còn anh Trần Văn Thương, Bí thư Đoàn xã Vĩnh Hảo, đã tham gia hiến máu hơn 20 lần từ khi mới bắt đầu tham gia công tác Đoàn. Anh còn tích cực tuyên truyền, vận động ĐVTN và người thân tham gia hiến máu, góp phần lan tỏa tinh thần nhân ái. “Tôi nhận thấy việc hiến máu không chỉ giúp đỡ người khác mà còn truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Nhìn thấy bạn bè, đồng nghiệp cùng chung tay hành động vì cộng đồng, tôi cảm thấy mình đã làm được điều ý nghĩa”, anh Thương cho hay.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị và sự hưởng ứng nhiệt tình từ người dân, phong trào hiến máu đã lan tỏa đến cả những vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người không ngại vượt đường sá xa xôi để tham gia hiến máu. Chị Đinh Thị Xết (ở làng 6, xã Vĩnh Thuận) cho biết: “Tôi luôn nghĩ rằng, một giọt máu của mình có thể góp phần đổi lấy mạng sống của người khác, điều đó thật sự rất đáng giá. Dù đường xa hay thời gian gấp gáp, tôi vẫn sẵn lòng tham gia”.
Anh Đoàn Văn Hoa (ở làng 4, xã Vĩnh Thuận) trước đây từng e ngại việc hiến máu. Nhưng nhờ sự tuyên truyền tận tình của các tình nguyện viên, anh đã vượt qua nỗi lo ấy và tích cực tham gia. “Lúc đầu tham gia hiến máu tôi cũng hơi sợ, nhưng sau lần đầu tiên, tôi nhận ra hiến máu không hề đáng lo như mình tưởng. Giờ đây, tôi không chỉ tham gia mà còn vận động bạn bè, người thân cùng góp sức”, anh Hoa nói.
Mặc dù điều kiện KT-XH còn khó khăn, nhưng phong trào hiến máu tình nguyện ở huyện Vĩnh Thạnh vẫn được duy trì và phát triển. Thông điệp “Hiến máu cứu người, một nghĩa cử cao đẹp” hay “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” đã khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng ở huyện miền núi.
Nhận định về phong trào hiến máu tình nguyện tại huyện Vĩnh Thạnh, ông Hà Văn Cát, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho rằng: “Dù là địa phương miền núi, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, nhưng phong trào hiến máu tình nguyện của huyện Vĩnh Thạnh đã được tuyên truyền sâu rộng, lan tỏa đến tận vùng xa xôi và những đồng bào dân tộc thiểu số nên số lượng người đăng ký tham gia hiến máu và đơn vị máu hiến ngày càng tăng, vượt xa chỉ tiêu do tỉnh giao”.
XUÂN DŨNG