Người lính viết về chiến trường K
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng đã kết thúc 35 năm nay nhưng hình ảnh về người lính tình nguyện Việt Nam, vì những lý do khác nhau, đã bị khuất lấp trong một thời gian khá dài. Cho mãi tận những năm gần đây, cuộc chiến ấy mới được nhắc đến qua nhiều trang sách của chính những người lính trực tiếp cầm súng.
Kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ chưa được bao lâu thì biên giới Tây Nam của Tổ quốc lại bắt đầu nóng lên. Những cuộc tàn sát đồng bào ta ở vùng biên giới An Giang, Tây Ninh, Hà Tiên do quân Khmer Đỏ tiến hành ngày một nhiều hơn. Đất nước lại đứng trước họa xâm lăng từ “người hàng xóm” mà mình từng cưu mang trước đó. Những người lính đã qua thời trận mạc suốt 21 năm chống Mỹ, một lần nữa tạm biệt vợ con để lên đường làm nhiệm vụ mới. Cạnh đó là một thế hệ thanh niên vừa trưởng thành sau cuộc chiến tranh cũng khoác ba lô tiếp bước cha anh.
Mưa trên đồng À Na Cút của Trần Ngọc Phương - một trong những cuốn sách viết về chiến trường K. gây được nhiều chú ý trong bạn đọc. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
1.
Với những người lính lúc bấy giờ, nhiệm vụ của các anh không chỉ là bảo vệ đất nước mà còn tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng để cứu những người anh em Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng rùng rợn nhất của thế kỷ 20. Ngày 7.1.1979, quân và dân Campuchia được sự giúp sức của quân tình nguyện Việt Nam đã giải phóng Phnôm Pênh, thành lập chế độ mới. Tuy nhiên, cuộc chiến ấy đã phải kéo dài thêm 10 năm nữa mới kết thúc hoàn toàn. Đó cũng là khoảng thời gian mà xương máu của bộ đội Việt Nam đổ xuống đất nước Chùa Tháp nhiều nhất.
Tác phẩm Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Nếu như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ trước đó, dấu chân người lính đều được các nhà văn phản ảnh một cách nóng sốt nhất trên trang viết của mình nhưng cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng thì rất thưa thớt. Có thể những nhà văn từng khoác áo lính trong cuộc chiến tranh chống Mỹ trước đó không có đầy đủ những “tư liệu sống” để tạo nên những tác phẩm dày dặn về cuộc chiến này. Những chuyến đi thực tế của những nhà văn thành danh trong chống Mỹ như Thu Bồn, Anh Ngọc, Vương Trọng, Nguyễn Trọng Tạo… cũng chỉ dừng lại ở những bài bút ký hay truyện ngắn hoặc thơ. Nếu có những cuốn tiểu thuyết hoặc trường ca như Đường vào Phnôm Pênh của Bùi Cát Vũ, Dòng sông Xô Nét của Nguyễn Trí Huân, Sông Mê Kông bốn mặt của Anh Ngọc; Campuchia hy vọng của Thu Bồn, Biên giới, Bên rừng thốt nốt của Nguyễn Quốc Trung … thì cũng không để lại nhiều dấu ấn. Họ chưa có đủ thời gian để lăn lộn với lính như nhà văn Nguyễn Minh Châu hay Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc… trong chống Mỹ, nên người đọc không thể đòi hỏi gì hơn số nhà văn đi thực tế chỉ tới cấp… trung đoàn này.
Tiểu thuyết Dưới tán rừng thốt nốt của Nguyễn Tam Mỹ. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Thế rồi, khi cuộc chiến tranh giải phóng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng tưởng chừng như bị rơi vào quên lãng thì một lớp nhà văn thuộc thế hệ 6X ra đời. Có thể suốt mấy chục năm qua, chuyện mưu sinh đã khiến những người lính tình nguyện quên đi một quãng đời mình nơi đất nước Chùa Tháp. Thế rồi cuộc sống dần khá lên, chuyện cơm áo không còn vây đuổi họ nữa thì cũng là lúc những người lính ấy “đêm chong đèn ngồi nhớ lại”. Trong số những người cầm bút viết về cuộc chiến ấy, đa số họ là những người lính ở cấp tiểu đội, trung đội nên các nhân vật trong sách của họ là bản sao của chính họ hoặc những đồng đội cạnh họ từng chia nhau hớp nước mùa khô khắc nghiệt, từng san sẻ viên thuốc sốt rét giữa rừng già. Họ viết lại, kể lại những tháng năm gian khổ của đời mình như một nhu cầu tự thân cần phải “nói ra” kẻo thế hệ sau không ai nhắc lại vậy. Chính vì thế nên trang sách của họ thấm đẫm bùn máu và lửa khỏi chiến hào chứ không ngồi một chỗ mà “tưởng tượng” ra.
Bìa cuốn Dọc đường chinh chiến của Trầm Lợi Mến.Ảnh: TRẦN ĐĂNG
2.
Cách đây không lâu, nhà văn Đoàn Tuấn “nổ phát súng” đầu tiên, mở đầu cho những cuốn sách viết về chiến tranh biên giới Tây Nam bằng tác phẩm Những người không gặp nữa, kể về những đồng đội đã hy sinh mà anh không bao giờ gặp lại họ. Có người mang theo cả giấy gọi nhập ngũ lẫn giấy báo thi đỗ đại học cùng ra trận. Khao khát được trở về mái trường đại học luôn nung nấu trong lòng nhưng trên đường về nước, những trận phục kích, những quả mìn của kẻ thù đã khép lại giấc mơ mà những người lính này từng ấp ủ. Có thể bắt gặp hàng loạt những câu chuyện như thế trong Những người không gặp nữa. Có vẻ như chỉ mỗi cuốn sách ấy không nói hết những gì cần nói, Đoàn Tuấn liên tục cho ra những tiểu thuyết như Mùa chinh chiến ấy, rồi Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt. Cuốn sách nào của anh cũng trĩu nặng những ưu tư về những tháng năm gian khổ bậc nhất trong đời của người lính chiến.
Tác phẩm Chuyện lính Tây Nam của Trung Sỹ. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Cùng với Đoàn Tuấn, một lớp nhà văn thế hệ 6X như Trung Sỹ với Chuyện lính Tây Nam, Nguyễn Tam Mỹ với Dưới tán rừng thốt nốt, Trần Ngọc Phú với Từ biên giới Tây Nam đến đất chùa tháp, Trần Ngọc Phương với Mưa trên đồng À Na Cút, Trầm Lợi Mến với Dọc đường chinh chiến… Mỗi cuốn sách của các anh là một phần đời của chính tác giả hoặc những binh nhất, binh nhì cùng ra trận trong những năm tháng ấy nên tính chân thật hiển lộ trên từng con chữ.
***
Những hố bom và chiến hào thời trận mạc đã khép lại từ lâu nhưng những gì mà cả dân tộc phải đổ máu để có nền hòa bình như hôm nay thì chưa bao giờ khép lại. Những người lính cầm súng nay lại cầm bút sẽ cung cấp cho chúng ta những gì chưa kịp kể trong những trang sách đã qua.
TRẦN ĐĂNG