Tổng duyệt vở tuồng “Góc khuất vương triều Trần”
(BĐ) - Tối 22.12, Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) đã diễn báo cáo tổng duyệt vở tuồng Góc khuất vương triều Trần (tác giả: Đoàn Thanh Tâm; đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà).
Vở tuồng Góc khuất vương triều Trần được dàn dựng mới, đề cập đến giai đoạn biến cố của vương triều Trần trong lịch sử dân tộc ta. Sau khi vua Trần Dụ Tông băng hà, Hiến Từ Hoàng thái hậu đã vì tình riêng, bất chấp sự can gián của triều thần đã đưa Trần Nhật Lễ lên ngôi kế vị. Bởi bà tưởng rằng Nhật Lễ là cháu nội đích tôn, nhưng thực tế vốn không phải là tông thất nhà Trần mà mẹ Nhật Lễ là đào hát - vợ của kép hát Dương Khương. Thị đã mang thai Nhật Lễ trước khi làm thiếp của Cung Túc vương Trần Nguyên Dục.
Một cảnh trong vở tuồng Góc khuất vương triều Trần. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Sau khi Trần Nhật Lễ lên ngôi đã trở thành ông vua hoang dâm, bạo tàn gây ra bao tội ác khiến triều đình rối loạn, lòng dân oán hận. Sau này, Trần Nhật Lễ đã trả giá đắt khi quần thần hợp sức phế ngôi, giết hôn quân vô đạo. Ngôi báu nhà Trần được tôn thất Trần Phủ khôi phục và lên ngôi vua lấy tôn hiệu Trần Nghệ Tông, mở ra một thời kỳ mới cho nước Đại Việt.
Vở tuồng Góc khuất vương triều Trần muốn truyền tải thông điệp đến ngày nay, đó là việc chọn người trao ngôi, kế nghiệp phải thật sáng suốt và cẩn trọng. Đây là việc vô cùng trọng đại, nếu vì tình riêng mà cả tin trao nhầm ngôi báu cho kẻ bất tài, vô đạo sẽ dẫn đến nguy cơ vương triều sụp đổ và nguy vong đến vận mệnh quốc gia, dân tộc.
NGỌC NHUẬN