Cấp thiết nâng cao chất lượng nhân lực kiểm lâm
Theo ông Lê Ðức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, thời gian qua, các vụ vi phạm pháp luật về chặt phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp cơ bản được ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng kiểm lâm tỉnh gặp không ít khó khăn, thách thức bắt đầu từ vấn đề nhân lực.
▪ Cụ thể đó là những khó khăn gì, thưa ông?
- Về nhân lực, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước, Chi cục Kiểm lâm giảm số lượng từ 194 biên chế công chức (năm 2015) còn 167 công chức (năm 2025). Hiện tại, lực lượng kiểm lâm tỉnh có 152 công chức đang làm việc (chưa tuyển dụng được 15 biên chế) nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về lâm nghiệp và các nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm lâm theo quy định của pháp luật.
Lực lượng kiểm lâm cần phương tiện, thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao khả năng giám sát mất rừng, cháy rừng. Ảnh: NVCC
Vẫn còn tình trạng rừng tự nhiên bị xâm hại khá thường xuyên (phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật, cơi nới lấn biên rừng để mở rộng diện tích canh tác), chưa ngăn chặn triệt để. Nguyên nhân do áp lực gia tăng dân số cùng với việc tách hộ của người dân địa phương dẫn đến nhu cầu đất canh tác tăng, từ đó gia tăng tình trạng người dân phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp để làm rẫy hoặc trồng rừng kinh tế, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Mặt khác, diện tích rừng phân bố trên diện rộng ở những nơi cao, xa, địa hình hiểm trở, giao thông ít thuận lợi, gây khó khăn cho việc tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là các địa bàn vùng giáp ranh.
Các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng liều lĩnh, sẵn sàng cản trở, chống lại người thi hành công vụ để tẩu tán tang vật khi bị kiểm tra, phát hiện. Công tác bảo vệ rừng của các chủ rừng đạt hiệu quả chưa cao. Các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm còn hạn chế. Do đó, công tác phát hiện và xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.
Địa bàn hoạt động của kiểm lâm là rừng núi, vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, thường xuyên đối mặt với lâm tặc - các đối tượng rất manh động, chống đối, sẵn sàng tấn công lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động của kiểm lâm còn tạm bợ; sinh hoạt hằng ngày của các công chức kiểm lâm được giao nhiệm vụ tại các chốt cửa rừng rất thiếu thốn (không có điện, thiếu nước sạch, thực phẩm…). Nhiều công chức kiểm lâm chỉ mới 55 tuổi đã không còn đủ sức khỏe để tuần tra, kiểm tra rừng, chữa cháy rừng.
▪ Theo ông, lực lượng kiểm lâm của tỉnh cần làm gì để vượt qua những khó khăn đó?
- Lực lượng kiểm lâm của tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn, từ việc xây dựng thể chế, chính sách, đến trực tiếp tổ chức thực hiện, xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng; đặc biệt ứng dụng KHCN, chuyển đổi số trong công tác quản lý rừng, để nhanh chóng triển khai lực lượng xác minh ngoài thực tế.
Trước những yêu cầu đang đặt ra cho lực lượng kiểm lâm của tỉnh, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng, năng lực con người trong thời đại công nghệ 4.0, tôi cho rằng anh em kiểm lâm trong tỉnh cần đổi mới tư duy, phương pháp quản lý, tích cực học hỏi, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đối với từng công chức kiểm lâm, phải nâng cao kỷ cương, tính chuyên nghiệp, từ đó phục vụ công việc tốt hơn, hiệu quả hơn.
▪ Ngoài nỗ lực tự thân, lực lượng kiểm lâm cần hỗ trợ gì, thưa ông?
- Lực lượng kiểm lâm luôn cần sự hỗ trợ nhiều mặt từ các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng và nhân dân trên địa bàn tỉnh để vượt qua những khó khăn nêu trên và hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, lực lượng kiểm lâm đã được hưởng chính sách ưu đãi nghề, thâm niên nghề. Thế nhưng, với mức lương tương đương với công chức làm việc giờ hành chính, so với khối lượng, tính chất công việc và trách nhiệm của công chức kiểm lâm thì chưa tương xứng.
Để đảm bảo cho lực lượng kiểm lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và an tâm công tác, gắn bó với rừng, Nhà nước cần quan tâm có chính sách tiền lương và chế độ hưu trí đối với công chức kiểm lâm tương đương với LLVT; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao khả năng giám sát mất rừng, cháy rừng như: Trạm quan trắc phát hiện cháy rừng tự động, thiết bị bay không người lái…, để giám sát, phát hiện sớm các điểm khói và lửa, kịp thời triển khai lực lượng ngăn chặn hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về tài nguyên rừng.
▪ Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)