NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH ÐÀO TIẾN ÐẠT:
Hy vọng nhiều người trên thế giới sẽ biết đến hát bội Bình Ðịnh!
Mới đây, bộ ảnh “Hát bội Bình Ðịnh” gồm 15 ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ðào Tiến Ðạt được trưng bày tại triển lãm Liên hoan Nhiếp ảnh châu Á năm 2024 (Asia Photo Festival 2024) do Hiệp hội Nhiếp ảnh gia châu Á (Asia Photographers Union - APU) tổ chức, diễn ra từ ngày 12 - 26.12.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt đã trò chuyện với Báo Bình Định về cách ông tiếp cận và sáng tạo tác phẩm nhiếp ảnh trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.
▪ Thưa ông, chúc mừng ông và xin được hỏi ngay - Tại sao lại là “hát bội Bình Định” mà không phải chủ đề khác…
- Cho phép tôi được diễn giải dài dòng một chút. Từ những năm đầu cầm máy tôi đã bén duyên với hát bội Bình Định và gắn bó đến giờ. Càng chụp càng mê, vì qua từng nhân vật, vai diễn, tôi tìm thấy ở đó nhiều lát cắt về cuộc đời- nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, bi, hài...
Khi nhận thư mời của Hiệp hội Nhiếp ảnh gia châu Á tham dự Liên hoan Nhiếp ảnh châu Á 2024, tôi chọn 15 ảnh về hát bội Bình Định - do các nghệ sĩ của Đoàn tuồng Đào Tấn (Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh) biểu diễn. Thú thật là tôi rất nghiêm túc, lọc ra 15 ảnh trong số hàng ngàn ảnh đã chụp rất nhiều buổi biểu diễn cả chuyên nghiệp và không chuyên là một ví dụ. Tôi chọn hát bội với mong muốn tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của quê nhà.
Tôi hy vọng từ triển lãm này, sẽ có thêm nhiều người trên thế giới biết đến hát bội Bình Định; cảm nhận hơi thở, linh hồn của một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam và biết đâu họ sẽ tìm đến quê hương chúng ta để xem hát bội.
▪ Am hiểu lịch sử, bản sắc văn hóa, vẻ đẹp độc đáo của quê hương, đó có phải là một cách giúp người nghệ sĩ nhiếp ảnh có thể đặc tả giá trị của nghệ thuật truyền thống khi cầm máy?
- Tôi đến với nhiếp ảnh từ tháng 7.1998 như một cơ duyên vận vào đời mình. Tôi tìm mọi cách để tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi và tiếp cận đề tài với nhiều góc độ, nhiều cách biểu đạt khác nhau, cố gắng làm sao bức ảnh không những gây ấn tượng thị giác mà còn truyền tải giá trị nghệ thuật truyền thống quê nhà. Ngoài hát bội Bình Định, tôi còn chụp nhiều ảnh về võ cổ truyền Bình Định, bài chòi Bình Định cũng như các làng nghề truyền thống trong tỉnh. Dù vậy, tôi vẫn nghĩ, tác phẩm tốt nhất của mình vẫn còn ở phía trước, nên không ngừng học hỏi, kiếm tìm và tiếp cận cái mới.
▪ Ngót 30 năm đeo đuổi nhiếp ảnh và gặt hái nhiều thành công, ông có gợi mở gì cho các tay máy trẻ…
- Điều quan trọng trong giai đoạn hiện nay, theo tôi là nghệ sĩ nhiếp ảnh phải tìm ra đề tài mới hoặc làm mới một cách sáng tạo những đề tài cũ khi đó khả năng thành công sẽ cao hơn. Ngoài yếu tố cơ bản cần phải nắm vững như: Bố cục, hướng chiếu sáng, màu sắc, xử lý hậu kỳ tác phẩm cũng như am tường tính năng máy ảnh và các loại ống kính, thường xuyên chụp rèn luyện kỹ năng và rút kinh nghiệm cho những lần sau, xem tất cả ảnh nói chung và tự mình đúc kết phù hợp nhằm tránh lặp lại, trượt vào lối mòn. Song tôi nghĩ, cú bấm máy rất quan trọng!
1 trong số 15 ảnh của Bộ ảnh “Hát bội Bình Định”. Ảnh: NVCC
Ví dụ để bấm máy đúng khoảnh khắc đắt giá nhằm biểu đạt chính xác ý nghĩa câu chuyện, thông điệp muốn truyền tải trong tác phẩm về hát bội chẳng hạn, trước đó tôi phải đọc sách, gặp gỡ những người liên quan từ kịch tác gia, đạo diễn cho đến diễn viên, họa sĩ thiết kế - trình bày sân khấu… Khi hiểu cặn kẽ tình tiết, nhân vật, bối cảnh, tôi sẽ chọn khoảnh khắc bấm máy.
Thực chất, tôi cũng như các bạn, đi nhiều nơi, làm điều mình thích, khám phá nhiều điều mới mẻ, thú vị mà trước đó chưa từng cảm nhận hay trải nghiệm và khi mình để ý, tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn thì thời khắc sáng tạo sẽ xuất hiện. Tôi tin rằng, đủ yêu và đủ lửa đam mê, thành công sẽ đến!
▪ Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
KIỀU VY (Thực hiện)