Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số: Khơi dậy, phát triển tinh hoa giá trị truyền thống
Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số chỉ có 16 hội viên, chủ yếu là người Bana, Chăm Hroi, H’re. Đã vậy, 80% hội viên trong Chi hội tuổi cao, sức yếu. Nhưng nhờ tinh thần giúp đỡ lẫn nhau đã tạo thành một khối đoàn kết, vượt qua những rào cản để hoàn thành tốt công tác.
Trong hoạt động văn nghệ, các hội viên trở thành lực lượng nòng cốt ở địa phương, thực hành và truyền dạy các giá trị, bản sắc văn hóa đến thế hệ trẻ. Đơn cử như các nghệ nhân Đinh Y Oai và Đinh Chương đã cùng một số nghệ nhân khác và phòng ban ở xã, huyện dàn dựng một số chương trình tiết mục, múa hát, độc tấu cho đoàn huyện Vĩnh Thạnh tham gia Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ XVII - năm 2024; Ngày hội văn hóa cồng chiêng xã Vĩnh Sơn lần thứ II - năm 2024; Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ IV - năm 2024…
Đội thi đến từ huyện Vĩnh Thạnh biểu diễn tiết mục đoạt giải nhất Liên hoan Văn hóa cồng chiêng trong ĐVTN vùng đồng bào các dân tộc thiểu số năm 2024. Ảnh: D.L
Nghệ nhân Đinh Y Nam, Chi hội phó Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, cho biết: Các hội viên sống rải rác ở các huyện nhưng tích cực, năng nổ trong các hoạt động của địa phương. Anh em sẵn sàng truyền dạy, hỗ trợ cho các thế hệ trẻ nhằm tạo nền tảng phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, hội viên đã hoàn thành được một số việc đáng mừng. Tuy nhiên, Chi hội cũng đang gặp khó về lực lượng, chỉ tiêu phát triển hội viên không đạt. Đây cũng là điều mà chúng tôi đang trăn trở.
Công tác sưu tầm văn hóa văn nghệ dân gian đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận, một số thể loại thơ văn, nhạc cụ truyền thống của từng dân tộc đã bước đầu được sưu tầm, nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị. Đề tài nghiên cứu về chữ viết truyền thống của 3 dân tộc Bana, Chăm Hroi và H’re đã được in ấn thành tài liệu. Đến nay, Chi hội đã sưu tầm được gần 10 bài sử thi - hơ mon của người Bana. Trong đó, hội viên Yang Danh đã hoàn thành tác phẩm truyện kể Hơ mon: Dăm Dư với trên 100 trang gửi tham dự giải năm 2024 của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Hai hội viên Yang Danh và Đinh Y Nam có 6 tháng truyền dạy chữ và tiếng Bana cho cán bộ, công chức đang công tác trên địa bàn các huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Tây Sơn và sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Bộ CHQS tỉnh. Đây là hoạt động nhằm thực hiện Đề án tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số Chăm, Bana, H’re cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn các huyện.
Nghệ nhân ưu tú Yang Danh, Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, cho biết: Năm 2025, chi hội tiếp tục động viên hội viên đoàn kết, yên tâm nghiên cứu, sưu tầm văn hóa văn nghệ dân gian của dân tộc mình, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của từng dân tộc; phát huy khả năng, tích cực hoạt động tốt để có những tác phẩm, chương trình tiết mục tốt chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
KIỀU VÂN