Biến rác thải thành tài nguyên:
Quản lý chất thải rắn bền vững
Ủy ban KTXH và Liên hiệp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), Tổ chức Hành động vì môi trường và sự phát triển tại Việt Nam (Enda Việt Nam), Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) và UBND TP Quy Nhơn vừa phối hợp tổ chức Hội thảo dự án “Quản lý chất thải rắn bền vững và vì người nghèo tại các đô thị vừa và nhỏ ở châu Á - Thái Bình Dương”. Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án...
“Biến rác thải thành tài nguyên”
Dự án “Quản lý chất thải rắn (CTR) bền vững và vì người nghèo tại các đô thị vừa và nhỏ ở châu Á-Thái Bình Dương” được ESCAP triển khai tại các nước Bangladesh, Cambodia, Sri Lanka, Việt Nam, và trong tương lai gần sẽ thực hiện ở Pakistan. Dự án đã đạt được những bước tiến quan trọng tại các nước triển khai. Trong 3 ngày diễn ra Hội thảo (24 - 26.9), các đại biểu đã được nghe giới thiệu về tổng quan và tình hình thực hiện dự án; thảo luận các chuyên đề liên quan...
Hội thảo đã đưa ra nhiều vấn đề mang tính chất quốc gia, như: Tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kèm theo là sự gia tăng tương ứng về lượng của CTR. Kết quả là chính quyền các đô thị ở các nước đang phát triển trong khu vực gặp khó khăn trong việc quản lý CTR, mặc dù họ đã chi tiêu một phần lớn ngân sách hàng năm cho việc này. Việc quản lý CTR hiện nay dựa vào các bãi chôn lấp lộ thiên (có đốt một phần) là không thể kiểm soát; bỏ qua các tiềm năng có thể biến rác thải thành tài nguyên...
Hội thảo cũng đưa ra kinh nghiệm trong việc thúc đẩy biến rác thải thành tài nguyên. Đặc biệt Trung tâm Phục hồi tài nguyên tổng hợp (mô hình IRRC) do Bangladesh xây dựng và đã được một vài thành phố trong khu vực thực hiện thí điểm đã chứng minh hiệu quả trong việc giải quyết các thách thức về quản lý CTR phi tập trung, vì người nghèo, bền vững, chi phí thấp và áp dụng công nghệ giản đơn, đặc biệt phù hợp cho các thành phố, thị xã vừa và nhỏ.
Việc nhân rộng và mở rộng các kinh nghiệm thành công như vậy có thể đóng góp đáng kể vào việc đạt được các thành phố không rác thải ở châu Á-Thái Bình Dương và một tương lai đô thị bền vững. Các sáng kiến “biến rác thải thành tài nguyên” góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo thông qua các cơ hội cải thiện sinh kế cho người nghèo đô thị, bao gồm lực lượng nhặt rác và tái chế rác. Việc nhân rộng cách tiếp cận “biến rác thải thành tài nguyên” đòi hỏi cam kết thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền, và nỗ lực khắc phục các khó khăn trở ngại...
Ông Donovan Storey, Trưởng bộ phận Phát triển đô thị bền vững của ESCAP, cho rằng: Các sáng kiến thúc đẩy biến rác thải thành tài nguyên đòi hỏi thay đổi nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý CTR. Đặc biệt, việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) là một yếu tố cơ bản để quản lý CTR hiệu quả. Về vấn đề này, chính quyền cần có chiến lược dài hạn để thúc đẩy PLRTN, vì muốn thay đổi hành vi cần có thời gian. Thiết lập hệ thống PLRTN khuyến khích và không khuyến khích, bao gồm xử phạt vi phạm quy định và phí thu gom rác thải theo lượng rác phát sinh. Lồng ghép khái niệm “Tiết giảm-Tái sử dụng-Tái chế (3T) vào chính sách giáo dục, giáo trình học và các cơ sở giáo dục đào tạo, các cơ quan nhà nước. Phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ việc PLRTN, bao gồm cả hệ thống thu gom rác riêng biệt (hữu cơ và vô cơ).
Ngoài ra, chính quyền địa phương đóng vai trò chính trong việc quản lý CTR đô thị. Các chính phủ cần xem xét tăng phí thu gom rác. Kinh nghiệm cho thấy hầu hết người dân địa phương có thu nhập thấp và trung bình sẵn sàng trả thêm tiền nhằm cải thiện dịch vụ thu gom rác. Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và các doanh nghiệp xã hội trong sáng kiến “biến rác thải thành tài nguyên” bằng các phương pháp thúc đẩy kinh tế, như cung cấp đất, chia sẻ rủi ro và thiết lập khung pháp lý cho hợp tác công-tư...
Bên cạnh đó, việc xem xét các loại rác có hàm lượng hữu cơ cao ở các nước đang phát triển trong khu vực và sản xuất phân vi sinh được xem là phương án hữu hiệu trong việc giảm khối lượng rác đem ra bãi chôn lấp, đồng thời thiết lập mối quan hệ thân thiết đô thị-nông thôn. Vận động nông dân sử dụng phân vi sinh thông qua các chương trình khuyến nông và các chương trình khác. Xác định, xem xét và giảm thiểu các biến động thị trường do các gói hỗ trợ phân hóa học nhằm tạo ra thị trường bình đẳng cho các sản phẩm phân vi sinh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Hoàng Nam, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Quy Nhơn, cho rằng: Cần chú ý để đảm bảo nguồn thu từ sáng kiến biến rác thành tài nguyên, ít nhất phải đủ để trang trải chi phí vận hành. Để làm được điều này, Chính phủ nên xem xét, đưa ra các chính sách hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị thực hiện chương trình biến rác thành tài nguyên, bao gồm miễn thuế và giảm thuế nhập khẩu và thuế kinh doanh… Có sự hỗ trợ của Nhà nước cho người sử dụng phân vi sinh tương ứng như chính sách trả tiền cho việc chôn lấp rác. Hỗ trợ phát triển các thị trường cho các nguồn tài nguyên được phục hồi từ rác thải. Tăng cường tiếp cận các nguồn tài chính nhằm hỗ trợ các sáng kiến biến rác thành tài nguyên.
PHI HÙNG