Phòng chống rét và dịch bệnh cho vật nuôi
Mùa đông là thời điểm thử thách đối với người chăn nuôi khi trời lạnh, mưa nhiều và độ ẩm cao; các loại mầm bệnh dễ phát triển, lây lan. Các loài vật nuôi như trâu, bò, heo và gia cầm rất dễ bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại. Vì vậy, chính quyền và người dân rất chú trọng vấn đề chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông.
Giữ ấm và đảm bảo dinh dưỡng cho vật nuôi
Những ngày qua, tại huyện Vĩnh Thạnh, nhiệt độ đã xuống dưới 20°C, tại một số vùng cao như các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, nhiệt độ còn thấp hơn. Trước tình hình này, các cán bộ thú y đã chủ động hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống rét cho đàn vật nuôi.
Theo ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, huyện có hơn 1.000 con trâu, hơn 18.100 con bò và hơn 19.200 con heo. Huyện đã tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng chống rét, như gia cố chuồng trại, che chắn kỹ lưỡng để bảo vệ vật nuôi khỏi gió, mưa lạnh, bổ sung chất độn chuồng để giữ ấm cho gia súc. Dự trữ các chất đốt như trấu, mùn cưa hoặc than củi để sưởi ấm chuồng trại khi trời rét.
Đối với heo, cán bộ thú y khuyến cáo sử dụng bóng úm và chuồng úm cho heo con theo mẹ để giữ ấm. Đồng thời, người chăn nuôi cần đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Gia cầm cũng cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình úm, hạn chế thả ngoài trời trong những ngày giá rét và che chắn chuồng trại để tránh gió lùa.
Ông Lương Quang Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, chia sẻ: “Trên địa bàn xã, người dân chủ yếu nuôi bò với hơn 2.000 con. Trước khi mùa mưa bão và giá lạnh, chúng tôi đã chủ động tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi việc tích trữ thức ăn thô như rơm rạ, đồng thời khuyến cáo bà con kiên cố hóa chuồng trại, không để gió lùa vào trong; không thả rông đàn vật nuôi khi nhiệt độ xuống thấp”.
Sự chủ động và ý thức của người dân đã giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng vật nuôi bị dịch bệnh và chết rét. Anh Đinh Minh Đại, ở thôn K6, xã Vĩnh Kim, bộc bạch: Tôi đang nuôi 5 con bò và 5 con bê. Trước đây, tôi thường thả rông bò, nhưng bò hay bị thất lạc và mắc dịch bệnh. Từ khi có sự hỗ trợ từ cán bộ thú y, tôi đã thay đổi cách chăn nuôi, tiêm phòng cho đàn bò, làm chuồng trại chống rét, trồng cỏ voi dự trữ thức ăn và cho đàn bò về chuồng trong ngày sau khi cho đi ăn. Nhờ vậy, đàn bò phát triển tốt, ít bị dịch bệnh.
Người dân ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh chủ động trồng cỏ voi bổ sung thức ăn cho đàn bò trong mùa đông. Ảnh: TRỌNG LỢI
Chủ động phòng chống dịch bệnh
Bên cạnh việc bảo vệ vật nuôi khỏi rét, phòng chống dịch bệnh cũng là một yếu tố quan trọng trong mùa đông. Các bệnh dịch dễ bùng phát do điều kiện thời tiết lạnh, độ ẩm cao, đặc biệt là ở heo và gia cầm. Chính quyền các địa phương đã chủ động chỉ đạo và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Tại huyện An Lão, nơi có đàn gia súc lớn với hơn 20.500 con heo, gần 9.900 con bò và gần 4.000 con trâu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Tùng Lâm cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu các hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, đặc biệt là heo, để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm như dịch tả heo, lở mồm long móng, tai xanh và các bệnh khác”.
Để đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi trong mùa đông, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), khuyến cáo người chăn nuôi cần chú trọng che chắn chuồng trại, đảm bảo không bị gió lùa và nền chuồng luôn khô ráo. “Đối với trâu, bò, người dân cần hạn chế cho chúng ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp. Cần bổ sung thức ăn tinh như bắp, mì, cám gạo để giúp trâu, bò chống lại giá rét và tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, việc dự trữ thức ăn thô như rơm, cỏ khô, thân bắp… cũng rất quan trọng để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trâu, bò trong những ngày rét”, ông Diệp nhấn mạnh.
Đối với đàn heo, người chăn nuôi cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hằng ngày, che chắn chuồng úm cho heo con, cung cấp đủ nước sạch (nước ấm là tốt nhất) và bổ sung vitamin tổng hợp vào khẩu phần ăn để tăng cường sức đề kháng. Đồng thời, việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn heo như dịch tả heo, tụ huyết trùng, tai xanh và lở mồm long móng cũng là điều không thể thiếu. Bảo vệ đàn vật nuôi không chỉ giúp người chăn nuôi duy trì nguồn thu nhập ổn định, mà còn góp phần bảo vệ an ninh lương thực và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi trong tỉnh.
TRỌNG LỢI