Tăng khả năng tiếp cận tín dụng dành cho hộ nghèo, người có công
Mô hình số 20 “cho vay tín chấp công dân là hộ nghèo, người có công” đang được ngành Ngân hàng tỉnh triển khai đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và người có công tiếp cận, vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhiều hộ dân đến điểm giao dịch xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh để vay vốn TDCS. Ảnh: T.SỸ
Xác định tín dụng chính sách (TDCS) là đòn bẩy để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã bám sát Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của tỉnh, từ đó chủ động xây dựng và triển khai mô hình số 20 “cho vay tín chấp công dân là hộ nghèo, người có công” trên phạm vi toàn tỉnh.
“Chi nhánh đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ với CA và ngành LĐ-TB&XH tại các địa phương xác thực các thông tin về hộ nghèo, người có công; đồng thời thông qua cơ sở dữ liệu dân cư, ứng dụng VNeID, đẩy mạnh cho vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm. Mặt khác, hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội mở tài khoản ngân hàng để giao dịch tín dụng được tiện lợi và an toàn hơn”, bà Ngô Thị Thu, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, cho hay.
Chủ công thực hiện mô hình số 20, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chương trình TDCS; đồng thời yêu cầu các đơn vị trực thuộc củng cố, phát triển các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở, tích cực tư vấn, hỗ trợ hộ nghèo, người có công hoàn tất hồ sơ vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi.
Biết gia đình chị Phan Thị Hương, ở khu phố Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ gặp nhiều khó khăn, tháng 3.2024, cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ cùng tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đến nhà chị Hương tư vấn, hướng dẫn chị làm thủ tục vay 50 triệu đồng để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Chị Hương chia sẻ: “Thu nhập chính từ 2 sào ruộng lúa, cộng với tiền làm thuê chỉ đủ giúp gia đình tôi trang trải qua ngày. Áp lực kinh tế gia tăng khi sức khỏe của tôi giảm sút sau một tai nạn lao động, trong khi 4 đứa con ngày càng lớn, chi phí sinh hoạt, học tập nhiều hơn. Được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng, tôi đầu tư nuôi bò và mở rộng diện tích cây trồng cạn, kinh tế gia đình khá hơn trước. Với quyết tâm ra khỏi diện hộ nghèo, tôi đã tất toán khoản vay cũ và vay thêm 50 triệu đồng để tiếp tục đầu tư trồng trọt và chăn nuôi”.
Chị Hương chỉ là một trong rất nhiều trường hợp được hưởng lợi từ mô hình số 20 do NHNN tỉnh triển khai. Đến ngày 14.10, toàn tỉnh có 11.578 khách hàng là hộ nghèo, người có công được vay tín chấp tại hệ thống Ngân hàng CSXH với dư nợ 737,1 tỷ đồng. Ngoài ra, có 6 khách hàng vay tín chấp tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Lộc Phát Bình Định số tiền 280 triệu đồng với lãi suất cạnh tranh. Nhiều ngân hàng khác như: BIDV Bình Định, Vietcombank Bình Định, Agribank Bình Định, Sacombank Bình Định… còn hỗ trợ các đối tượng hưởng chính sách mở 13.791 tài khoản để giao dịch tín dụng, tổng số tiền an sinh xã hội chi trả qua tài khoản ngân hàng hơn 60 tỷ đồng. “Với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản nhằm đảm bảo giao dịch nhanh, an toàn chứ không thu các phí dịch vụ”, ông Văn Minh Hoàng, Phó Giám đốc BIDV Bình Định, cho hay.
Năm 2025, ngành ngân hàng tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình số 20. Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, cho biết: Trước mắt, chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền các chương trình, sản phẩm tín dụng cũng như cách thức tiếp cận vốn để người dân nắm bắt và vay vốn. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục phối hợp với ngành chức năng xác định đối tượng vay vốn thông qua cơ sở dữ liệu dân cư và ứng dụng VneID; tăng cường chuyển đổi số, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ vay vốn của khách hàng, bảo đảm hoạt động cho vay nhanh, an toàn, hiệu quả, hạn chế tình trạng người dân tìm đến với “tín dụng đen”.
PHẠM TIẾN SỸ