Vân Canh gìn giữ, phát huy di sản văn hóa Chăm H’roi
Thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 1 (2023 - 2025), huyện Vân Canh đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, trong đó có dân tộc Chăm H’roi.
Cùng với tiếng nói, chữ viết, nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian của người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh được gìn giữ, kế thừa thực hành trong đời sống.
Đồng bào Chăm H’roi huyện Vân Canh tái hiện Lễ cúng thần làng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Hương (ở khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh) nhận xét, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói chung, dân tộc Chăm H’roi nói riêng được thể hiện cụ thể bằng việc thường xuyên mở các lớp tập huấn, truyền dạy cồng chiêng, dân ca, dân vũ, gìn giữ trang phục truyền thống; phục dựng các lễ hội đổ đầu, ăn cốm lúa mới, cầu mưa, cúng thần làng...
Được sự động viên, hỗ trợ của nhà nước, đội ngũ nghệ nhân tâm huyết đang nắm giữ “vốn quý” của đồng bào Chăm H’roi miệt mài truyền dạy để lớp trẻ kế thừa di sản văn hóa của dân tộc mình. Được ông nội và cha truyền dạy trống kơ toang từ năm 15 tuổi, nghệ nhân Trần Văn Bút (49 tuổi), ở khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, vừa thực hành vừa truyền dạy lại trống kơ toang cho nhiều người trẻ ở trong làng.
Anh Bút tâm tình: “Nghệ thuật trình diễn trống kơ toang không chỉ là đánh trống mà nó còn kết hợp khéo léo giữa âm nhạc và hình thể của người chơi, toát lên sự phóng khoáng, ngẫu hứng. Bởi độ khó như vậy nên ít người trẻ thích học, nhưng với nỗ lực “mưa dầm thấm lâu”, tôi đã truyền dạy nghệ thuật biểu diễn trống kơ toang cho nhiều thanh niên trong làng”.
Trống kơ toang - nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Chăm H’roi được truyền dạy lớp trẻ kế thừa thực hành. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Học biểu diễn trống kơ toang từ năm 2017 - 2018, đến nay anh Đinh Văn Viện (25 tuổi) ở khu phố Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh đã trở thành nghệ nhân trẻ trình diễn thành thạo nhạc cụ này. Anh Viện thổ lộ: “Tôi yêu thích trống kơ toang, rồi tôi tự tập, nhưng để biểu diễn “chuyên nghiệp” hơn là nhờ chú Bút truyền dạy. Tôi rất vinh dự khi là người trẻ biết biểu diễn trống kơ toang và được chọn tham gia các sự kiện do địa phương tổ chức”.
Lần đầu tiên tham gia cùng đội cồng chiêng biểu diễn tái hiện Lễ cúng thần làng của người Chăm H’roi do Sở VH&TT phối hợp với UBND huyện Vân Canh tổ chức vào cuối tháng 11.2024, “nghệ nhân nhí” Nguyễn Đinh Minh Hồ, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Canh Thuận khiến mọi người thích thú khi cầm xà reo biểu diễn thuần thục, hòa nhịp cùng thanh âm cồng chiêng rộn rã. “Con được bà nội dạy biểu diễn xà reo từ năm học lớp 4.
Lần đầu biểu diễn con cũng thấy hồi hộp, nhưng các anh chị, cô chú động viên con thấy tinh thần vui vẻ hơn, biểu diễn xong lại thấy thích thú trong việc giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc mình”, Hồ thổ lộ.
Những lễ hội dân gian, nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, múa xoang cũng được những nghệ nhân lớn tuổi tích cực truyền dạy cho lớp trẻ dần nắm bắt. Nghệ nhân Nguyễn Thanh Bình (66 tuổi), ở khu phố Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh, cho biết: “Người Chăm H’roi có rất nhiều lễ hội. Những năm gần đây nhờ nhà nước tổ chức nhiều sự kiện, hội làng hoặc cho tái hiện một số lễ hội, nghi thức cúng…, lớp trẻ có thêm cơ hội để thấy và hiểu được nét đặc trưng này, tạo động lực để cộng đồng Chăm H’roi cùng nhau gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc”.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Dự án 6 và chương trình hành động của Huyện ủy Vân Canh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2026, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Việt cho biết: “Huyện tiếp tục thực hiện công tác kiểm kê, bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Vân Canh nói chung, đồng bào Chăm H’roi nói riêng. Năm 2025, huyện sẽ phục dựng, ghi hình lễ cưới truyền thống của đồng bào Chăm H’roi, Bana, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là lớp trẻ về gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc mình, từng bước hình thành sản phẩm du lịch ở địa phương”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN