Nhà văn nữ viết truyện ngắn ở Bình Định: Chững chạc tiếp nối những dòng chảy
Truyện ngắn đương đại Bình Định hiện đang sở hữu hàng chục cây bút nữ cá tính, chững chạc. Điều đáng mừng, ngoài những thế hệ tiền bối đã định danh, các cây bút trẻ cho thấy những tiếp nối đáng kỳ vọng.
1. Ở mảng văn xuôi - truyện ngắn, lực lượng nữ nhà văn của Bình Định khá đông. Các thế hệ trước, đã ngoài 60, có tác phẩm in riêng, có thể nhắc đến những cái tên như Nguyễn Mỹ Nữ, Trần Thị Huyền Trang, Bùi Thị Xuân Mai, Nguyễn Thị Phụng...
Trong đó, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ tạo dấu ấn đậm nét với thể loại truyện ngắn khi chị từng đạt một số giải thưởng văn chương uy tín của Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chị đã in nhiều tập truyện ngắn như: Mắt núi (2004); Món quà của mùa hè (2007); Những câu kinh chấp chới (2008); Tiếng hát liêu điêu (2013); Thế gian không phút thứ 6 (2013); Góc phố ba người (2022)...
Khai thác đời sống ở những góc quan sát dung dị và dành nhiều trang viết cho thế giới trẻ thơ, chị viết lặng lẽ, ân cần với chữ nghĩa. Năm 2023 là năm nhiều dấu ấn với chị, khi các nhà xuất bản liên tiếp chọn in của chị 3 tác phẩm: Nhặt (tập truyện dài cho thiếu nhi); Thương quá nục ơi! (tập tản văn) và tập truyện ngắn thiếu nhi Nào cùng nhón chân (2023). Ở tập truyện ngắn mới nhất Nào cùng nhón chân, những đứa trẻ miền Trung hiện lên chân chất, thiện lương. Viết về thiếu nhi, chị luôn dành những yêu thương và dòng văn sáng lên những khoảnh khắc giản dị, bất ngờ xúc động.
“Mấy năm gần đây vợ chồng tôi yếu hẳn, nên việc sáng tác cũng bị ảnh hưởng. Tôi đang còn 5 - 6 bản thảo các thể loại. Trong đó, tôi còn dang dở một tập truyện ngắn và một truyện dài, sẽ sắp xếp in khi có thể”, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ chia sẻ.
Từ trái qua là các tác giả viết truyện ngắn của Bình Định gồm My Tiên, Mộc An, Nguyễn Đặng Thùy Trang. Ảnh: NVCC
2. Những nhà văn nữ viết truyện ngắn ở độ tuổi 40 - 50 là thế hệ khá đầy đặn, với những cái tên như Lưu Thị Mười, Hương Văn, Mộc An, Trần Minh Nguyệt, Đào Quý Thanh...
Trong đó, nhà văn Trần Minh Nguyệt viết khá lặng lẽ, chị đã in 4 tập truyện như: Những kẻ tự phong (2011); Người đàn bà và những giấc mơ (2012); Khoảng trời bình yên (2012); Trên đỉnh yêu thương (2013). Lưu Thị Mười với Trăng khóc (2015), Âm ỉ tàn tro (2020). Các tác giả khác mỗi người ra mắt bạn đọc một tập truyện, hoặc sáng tác và đăng tải khá nhiều trên các kênh báo, tạp chí khác nhau.
Các nữ nhà văn thế hệ này dường như mỗi người tiếp cận đời sống và hắt vào trang viết những luồng sáng khác nhau. Như với Hương Văn, truyện chị khai thác về các vấn đề hôn nhân, thấp thoáng hình ảnh người phụ nữ đang ở lằn ranh giữa một bên là sự an phận và nửa bên kia là vùng thoát khỏi quy củ, ràng buộc để được sống cho mình. Ở Lưu Thị Mười, chị tạo dấu ấn với những khai thác sâu về những nỗi đau, những giằng xé nội tâm của phụ nữ bị thương tổn, từ những số phận nghiệt ngã trong cuộc sống mà chính chị có dịp tiếp xúc, chiêm nghiệm.
Dù chưa in tuyển tập truyện ngắn nào, nhưng tác giả Mộc An đã có nhiều truyện đăng tải trên các báo, tạp chí như: Sâu đo muốn mua giày, Cô bé bay, Tết vắng bà... Hàng loạt những truyện dài, truyện vừa của chị được các nhà xuất bản chọn in. Năm 2024 là năm thành công của chị khi nhận được giải B Giải thưởng sách quốc gia với hai tập sách Nếu một ngày chúng tớ biến mất (truyện, 2022) và Nhạc sĩ đường phố (truyện, 2023).
Chị tiết lộ, hiện hai tập truyện thiếu nhi đang được các nhà xuất bản chọn in, dự kiến ra mắt bạn đọc đầu năm 2025. “Không thể sống mà không viết, có một tựa sách như thế. Tôi nghĩ đó là nhiệm vụ của một người cầm bút. Viết là một kênh để mình được chia sẻ với chính mình”, chị tâm sự.
3. Đáng chú ý, ở độ tuổi dưới 40, Bình Định đang có khá nhiều tác giả nữ siêng năng viết truyện ngắn: Lê Hứa Huyền Trân, Thiên Nga Sô Zuôn, Nguyễn Đặng Thùy Trang, Tuyết Mai, Thụy Hân, My Tiên...
Trong số đó, Thiên Nga Sô Zuôn (người Bana, hiện sinh sống ở Canh Liên, Vân Canh) là tác giả duy nhất người đồng bào dân tộc thiểu số đang theo đuổi sáng tác văn chương. Các truyện ngắn của chị hướng về đời sống của đồng bào miền núi, sự va đập giữa tập tục lạc hậu với đời sống văn minh, đặc biệt nhấn sâu về thân thận người nữ giữa những bủa ráp của hủ tục, vây chặt và bào mòn ý chí vươn lên. Chị thổ lộ: “Mình đang sắp xếp lại bản thảo tập truyện ngắn Nơi thần linh trú ngụ với 14 truyện ngắn. Bên cạnh sáng tác, mình đang sưu tập lại truyện cổ của người Bana, để hiểu hơn về văn hóa, đời sống dân tộc mình. Từ đó cũng bổ trợ thêm cho các sáng tác của mình sau này”.
Nguyễn Đặng Thùy Trang - hiện là giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn) - đã in tập truyện ngắn Bay (2019) và đạt giải Tác giả trẻ năm 2019 của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Trang có lối viết mềm mại, trữ tình, xoáy sâu vào khám phá bên trong tầng sâu nội tâm con người với những luồng, dòng suy tưởng miên man, hun hút. Chị chia sẻ: “Tôi thường làm thơ và viết cho thiếu nhi hơn. Nhưng vẫn rất thích khai thác đời sống hiện đại với những trăn trở của con người, nhạy cảm và tổn thương và thể hiện bằng truyện ngắn. Tôi muốn dành những trang viết của mình đi sâu vào những thương tổn, góc khuất đó ở mỗi chúng ta”.
Ở mảng truyện ngắn đương đại Bình Định, đã có những tiếp nối giữa thế hệ trẻ và người đi trước. Lực lượng kế thừa chiếm ưu thế về số lượng và đang dần có những khẳng định trong các sân chơi lớn của văn chương, đó là một điểm đáng trông chờ và hy vọng của truyện ngắn nữ Bình Định hiện nay.
NGÔ PHONG