Những ngày cuối năm
Những ngày cuối năm, trời miền Trung se se lạnh nhưng đã thôi rả rích mưa. Thay vào đó là làn nắng vàng mơ dịu nhẹ trải khắp từng ngọn cây, ngõ xóm. Không gian trong lành và thoáng rộng thêm ra. Trên những nhành cây vốn khẳng khiu, gầy guộc từ cuối mùa đông, hàng ngàn chồi non xanh xinh xinh đang bắt đầu cựa mình, chờ nắng ấm hơn sẽ bung đều thành lộc biếc. Nhựa sống lại căng đầy. Những ngôi nhà san sát nhau, mái ngói tường vôi dù cao hay thấp đều vẽ lên một màu sáng tươi, mới mẻ. Đâu đó thoang thoảng hương thơm dìu dịu của muôn loài hoa lá, cỏ cây. Xứ Dừa nơi tôi sống và làm việc có tất cả những đặc trưng đó.
Thích thú nhất là cảm giác lùa tay vào áo len, mường tượng chạm đến chiều ba mươi Tết. Cái cảm giác ấy thôi thúc người ta mặc thêm áo, dắt xe ra ngõ và xuôi theo phố thị để nhen dậy niềm xốn xang khó tả. Từng đoàn xe nối đuôi nhau, ngược xuôi đông đúc. Tiếng còi xe ô tô, xe máy hòa vào giai điệu nhạc xuân xập xình... Những ngày nghỉ cuối năm lại rộn ràng, náo nức hơn bao giờ hết. Cuối năm, dù không hẹn nhưng ai cũng chờm chờm nghĩ đến lúc về nhà. Nhà nhà sum vầy, người người đoàn tụ - Tết là để được như thế cơ mà.
Tranh của họa sĩ VĂN QUÂN
Tầm này tôi đã nhớ nhiều về chiều ba mươi Tết. Ở Hoài Nhơn, có một nét đẹp riêng mà tôi hay khoe với bạn bè là mỹ tục xứ Hoài, cổng nhà ai cũng rộng mở vào chiều cuối năm. Đó chính là cách để chủ nhân ngỏ ý rằng luôn sẵn sàng mở lòng đón khách. Tranh thủ ít thời gian vàng ngọc, những người ở xa nay được dịp về quê sẽ đến thăm nhà bà con, anh em. Cái bắt tay, vòng ôm xiết chặt, tiếng nói cười thân thiện khiến sự cách xa bấy lâu bỗng hóa gần gũi và quá đỗi thương yêu. Sau khi ngồi hàn huyên và uống với nhau chén trà thơm nóng, chủ và khách lại gửi biếu nhau một chút quà mang hương vị Tết quê hương. Người này trao gói bánh quy, bánh đậu thì người kia lại được dúi vào tay trái bưởi, cân cam...
Năm nay, kinh tế có chút khó khăn, vào hàng ra chợ mỗi khi mua sắm ai cũng chép miệng chờ mong mọi thứ sẽ khác trong dịp Tết. Chờ Tết và lòng ai cũng khấp khởi hy vọng. Thì vậy mà, dù thế nào thì bàn thờ ông bà tổ tiên vẫn phải đủ vật phẩm lễ nghi. Nhang trầm, đèn nến, bánh trái, hoa quả. Một năm lo toan vất vả đang chầm chậm qua và hy vọng vào những điều tốt đẹp phía trước là điều ai cũng thầm gieo.
Góc bếp những ngày cuối năm vừa sáng ấm vừa thơm hương nếp mới, tất cả là nhờ vào đôi tay dẻo dai và khéo léo của mẹ. Mấy năm nay, xóm làng giảm hẳn việc gói bánh chưng, bánh tét. Và thay vào đó là những việc khác, chăng đèn kết hoa, tô chỗ này, quét chỗ kia… Than thở khó khăn đó nhưng rồi ai cũng mở hầu bao tiêu dùng, cũng còn mấy đâu, vài ngày nữa là sang năm 2025, rồi ít tuần nữa là đến năm Ất Tỵ; chừng như tiêu dùng cũng là cách để người này tạo ra hy vọng hanh thông cho người kia. Ở quê tôi mấy năm nay người ta siêng nói ra câu “cảm ơn, xin lỗi” chẳng phải là học theo thói phố đâu, mà là sau đại dịch dường như người xứ Hoài tự thấy nên nâng đỡ, nương nhẹ và trân trọng nhau hơn. Nhớ như vậy vì xa xưa ấy là kiểu nói được cho là khách sáo, bày vẽ. Câu “cảm ơn, xin lỗi” nở trên môi khiến người quê tôi như xinh hơn!
Chiều đã muộn. Phố đã lên đèn. Thanh âm cuộc sống rộn vang khắp phố cùng phường, soi mình bên dòng sông Lại quê tôi lung linh và đẹp quyến rũ lạ lùng. Bạn có biết Hoài Nhơn quê tôi không? Đã bao lâu rồi bạn chưa về thăm lại xứ Hoài? Về thăm xứ Hoài đi bạn, tầm này quê tôi đẹp lắm. Thật đấy!
HƯƠNG VĂN