Độc đáo Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý
Ngày 10.12, Bộ VH-TT&DL ban hành quyết định ghi danh Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là tin vui đối với cộng đồng ngư dân, chính quyền địa phương mà còn tạo thêm động lực để thực hiện những giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị.
Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý nói riêng, lễ hội cầu ngư ở tỉnh Bình Định nói chung chứa đựng những giá trị độc đáo riêng có, thể hiện rõ nhất là có biểu diễn bả trạo (loại hình diễn xướng dân gian theo kịch bản tuồng hát bội bả trạo) do ngư dân nắm giữ và thực hành trình diễn, khi biểu diễn thì hóa trang, phục trang theo nghệ thuật hát bội Bình Định.
Lăng Ông Nam Hải vạn đầm Xương Lý nằm trên triền núi Đơn ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Vũng Bấc và tín ngưỡng thờ cá Voi
Đến nay ngư dân xã Nhơn Lý vẫn còn lưu truyền câu ca: “Vũng Nồm, Vũng Bấc bao xa/Cách nhau cái dốc chia ra hai làng” để nhắc nhớ về một thời quá vãng xã Nhơn Lý có hai làng Xương Lý (Vũng Nồm) và Hưng Lương (Vũng Bấc) nhưng giao thương qua lại rất khó khăn, cách trở. Sách Nước non Bình Định (Quách Tấn) miêu tả: “Sau khi cửa Cách Thử bị lấp thì dãy núi Triều Châu trở thành một bán đảo chạy từ Cách Thử đến Phương Mai. Bờ biển chạy dưới chân bán đảo khi thì cát trắng mênh mông, khi thì gành cao mũi nhọn… Từ Bắc vào Nam, dọc theo dãy Triều Châu có nhiều vũng như: Vũng Nồm, Vũng Bấc (xã Nhơn Lý), Vũng San Hô (xã Nhơn Hải)…”.
Trước năm 1815, Xương Lý chỉ là một làng biển thuộc hải tấn Nha Phiên, huyện Phù Ly. Đến năm Minh Mạng thứ 20 (năm 1839), triều Nguyễn lập Địa bạ Bình Định thì thôn Xương Lý và thôn Hưng Lương thuộc tổng Trung An, huyện Phù Cát, phủ Hoài Nhơn. Ngày nay, Xương Lý (Vũng Nồm) có hai thôn Lý Chánh, Lý Hòa; và Hưng Lương (Vũng Bấc) cũng có hai thôn Lý Hưng, Lý Lương (thuộc xã Nhơn Lý). Tại vạn chài Xương Lý và Hưng Lương, ngư dân đều có lập riêng Lăng Ông Nam Hải để thờ cá voi.
Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay Lăng Ông Nam Hải vạn đầm Xương Lý tọa lạc trên triền núi Đơn, ở thôn Lý Chánh đã khang trang hơn. Đây là nơi ngư dân thờ thần Nam Hải, gắn với tổ chức Lễ hội cầu ngư theo thông lệ hằng năm bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản đầy khoang, đời sống ấm no, hạnh phúc. Thời nhà Nguyễn, lễ hội này được công nhận chính thức, minh chứng là những sắc phong còn được giữ lại ở các lăng phong tước hiệu cho cá voi, như: Nam Hải đại tướng quân, Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần, Nam Hải cự tộc ngọc lân thượng đẳng thần... Tại Lăng Ông Nam Hải vạn đầm Hưng Lương ở Nhơn Lý còn lưu giữ 6 sắc phong tước hiệu thần Nam Hải của các vua triều Nguyễn.
Những bộ cốt cá voi được thờ trong lăng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Đồng lòng gìn giữ di sản
Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý được tổ chức gồm các nghi lễ cổ truyền: Lễ nghinh thần Nam Hải, lễ tĩnh sinh, đại lễ tế thần… Ngoài ra còn có phần hội biểu diễn bả trạo, hát bội, cùng các hoạt động khác, như: Chèo thuyền, bơi thúng, hội đánh bài chòi dân gian, trò chơi dân gian… thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham dự.
Ông Dương Văn Thơm, Trưởng vạn đầm Xương Lý, cho biết: “Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý được nhân dân hai thôn Lý Chánh, Lý Hòa cùng nhau tổ chức. Sau phần lễ, Ban vạn còn tổ chức phần tiệc thụ lộc khi bà con đến lăng dâng hương cúng thần. Chúng tôi còn mời đại diện ban quản lý Lăng Ông Nam Hải, đình, miếu ở vạn Hưng Lương đến chung vui để gắn kết thêm tình cảm của con dân xã Nhơn Lý, cùng chung tay bảo tồn di sản văn hóa cha ông để lại”.
Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tin vui lớn đối với nhân dân, chính quyền địa phương; tạo thêm động lực để ngư dân địa phương - chủ thể nắm giữ và thực hành di sản đồng lòng bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Ông Nguyễn Kim Chức, Thư ký vạn đầm Xương Lý, cho biết: “Bà con rất mừng khi lễ hội được công nhận di sản phi vật thể quốc gia và rất háo hức chờ đến ngày mùng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025 tổ chức Lễ hội cầu ngư gắn với Lễ đón nhận bằng công nhận di sản. Ban vạn cũng đã họp bàn với UBND xã lên kế hoạch tổ chức lễ hội năm tới với quy mô hoành tráng và kéo dài thời gian hơn để quảng bá di sản, phục vụ công chúng về dự”.
Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý được ngư dân tổ chức theo thông lệ hằng năm vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Ảnh: KIỀU VY
Theo kế hoạch, Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý năm 2025 sẽ tổ chức phần hội từ ngày mùng 8 tháng Giêng, với giải bóng đá tranh cúp Lăng Ông Xương Lý của 4 đội bóng thôn Lý Chánh, Lý Hòa, Lý Lương, Lý Hưng để tạo không khí sôi động. Ban vạn còn làm thêm sản phẩm rượu gạo Lăng Ông Xương Lý được bán với giá “tùy hỷ” để giới thiệu thêm đặc sản địa phương phục vụ du lịch.
Nói về định hướng phát huy giá trị di sản văn hóa gắn phát triển du lịch ở địa phương trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Danh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết: “Du lịch ở Nhơn Lý phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu là sản phẩm du lịch biển đảo. Với tin vui đón nhận thêm di sản phi vật thể quốc gia Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý, cùng với Lăng Ông Nam Hải vạn đầm Hưng Lương đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2015, cùng hệ thống đình, chùa…, địa phương sẽ có kế hoạch bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa để khai thác tiềm năng, quảng bá và phát triển du lịch văn hóa ở địa phương”.
***
Nếu được quan tâm đúng mức, gắn kết chặt chẽ giữa ngành chức năng, chính quyền địa phương, cộng đồng ngư dân trong thực hành, truyền dạy để kế thừa bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tin rằng Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý nói riêng, lễ hội cầu ngư ở tỉnh Bình Định nói chung sẽ trở thành sản phẩm du lịch văn hóa mang đặc trưng riêng để phục vụ du khách.
Tính đến nay tỉnh Bình Định có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Võ cổ truyền Bình Định, Nghệ thuật hát bội Bình Định, Nghệ thuật bài chòi Bình Định, Lễ hội chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn, Nghề chằm nón ngựa Phú Gia và Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN