Bổ sung có mục tiêu hơn 5.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương cho các địa phương
Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết về việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương năm 2024 cho các địa phương với số tiền 5.834,437 tỷ đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Ngày 13.7 vừa qua, UBND huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, tổ chức Lễ gắn biển công trình Nghĩa trang nhân dân-An Lạc Viên và khánh thành Chợ trung tâm xã Búng Lao, là những công trình trọng điểm với mục đích an sinh xã hội, phục vụ nhu cầu nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1338/NQ-UBTVQH15 về việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương năm 2024 cho các địa phương.
Theo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương số tiền 5.834,437 tỷ đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội các năm 2023-2024 và hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung cho năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024 theo đúng nội dung, số liệu tại Tờ trình số 845/TTr-CP ngày 10.12.2024 của Chính phủ.
Đồng thời, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương số tiền 600 tỷ đồng để thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn vốn từ các nông, lâm trường quốc doanh cho 19 địa phương theo đúng nội dung, số liệu tại Tờ trình số 858/TTr-CP ngày 18/12/2024 của Chính phủ.
Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ chịu trách nhiệm về căn cứ pháp lý của các nội dung đề xuất, tính chính xác của số liệu, tính đầy đủ, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện bổ sung dự toán, giao dự toán theo đúng quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí được phân bổ đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và pháp luật liên quan; bảo đảm triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong việc xây dự toán, hạn chế thấp nhất các khoản kinh phí không phân bổ được dự toán ngay từ đầu năm. Trong quá trình điều hành, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt để sớm giao dự toán các khoản chưa phân bổ, tránh chậm trễ, kéo dài, lãng phí, kém hiệu quả nguồn lực ngân sách Nhà nước và xảy ra tình trạng giao dự toán cuối năm không kịp sử dụng, phải thực hiện việc chuyển nguồn kinh phí sang năm sau, nhất là các nguồn kinh phí liên quan đến an sinh xã hội và chế độ chính sách cho con người.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 27.12.2024.
(Theo TTXVN/Vietnam+)