Tổng đình công tại Hy Lạp
Hôm nay (1.5), Hy Lạp sắp sửa chứng kiến một cuộc tổng đình công nhằm phản đối chính sách khắc khổ của chính phủ. Các tổ chức công đoàn Hy Lạp kêu gọi người biểu tình tham gia tuần hành rầm rộ.
Các tổ chức công đoàn cáo buộc chính các biện pháp chi tiêu khắc khổ của chính phủ là thủ phạm gây ra tình trạng thất nghiệp cao kỉ lục (27%) tại Hy Lạp.
Cuộc tổng đình công dự kiến kéo dài 24 giờ và sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng các dịch vụ công, kể cả giao thông và y tế.
Các nhà tổ chức đình công đòi chính phủ phải chấm dứt việc cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế.
Chính phủ Hy Lạp giải thích các biện pháp khắc khổ là vô cùng cần thiết nhằm đưa Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng sâu và 6 năm suy thoái liên tiếp.
Nội các của Thủ tướng Antonis Samaras cho biết việc thắt lưng buộc bụng là một phần của chương trình đang xúc tiến nhằm đảo bảm được vay tiền cứu trợ từ các nhà cho vay quốc tế là Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Mặc dù các cuộc đình công hay xuống đường biểu tình phản đối tại Hy Lạp vẫn diễn ra nhưng số lượng đã giảm bớt trong năm nay. Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình tại Hy Lạp đã có chút lạc quan hơn.
Tỉ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp hiện nay là 27%. Khoảng 60% người thất nghiệp là thanh niên.
20 cuộc tổng đình công đã diễn ra vẫn không thể đạt được mục tiêu khiến chính phủ dừng biện pháp chi tiêu khắc khổ.
Ngay trong tuần này, các nhà cho vay quốc tế đã thông qua khoản tiền cho vay cứu trợ trị giá 3 tỉ euro (4 tỉ USD). Dự kiến, đến ngày 13.5, khoản cứu trợ thứ 2 trị giá 6 tỉ euro sẽ tiếp tục đến tay Athens.
Từ năm 2010 đến nay, EU và IMF đã cam kết cho Hy Lạp vay hơn 200 tỉ euro.
Tố Uyên (Theo BBC)