Mưa kéo dài, nông dân gặp khó trong sản xuất
Từ ngày 10.12 đến nay, mưa lớn liên tục trút xuống địa bàn tỉnh. Đây là thời điểm quan trọng trong năm, khi nông dân bắt tay vào gieo sạ lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025 và các loại cây trồng cạn như rau màu phục vụ thị trường tiêu thụ dịp cuối năm.
Nông dân “chật vật” vào vụ
Ông Trần Đình Sửu, 64 tuổi, ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), chia sẻ: “Tôi gieo sạ lần thứ 3 vào ngày 25.12, nhưng chỉ sau 4 ngày mầm lúa vừa mới nhú lên thì trời lại mưa, nước từ thượng nguồn đổ về mấp mé bờ ruộng. Nếu mưa kéo dài thêm, cây lúa non sẽ bị ngập và tôi lại phải gieo sạ lại”. Theo ông Sửu, hai lần gieo sạ trước đó, ông đã mất khoảng 140 kg giống lúa ĐV 108 do ngập úng, trong khi giá giống lúa này năm nay khá cao, dao động từ 16.000 - 17.000 đồng/kg, chưa kể chi phí thuê máy cày, công rải giống và làm đất. Với tình hình mưa muộn kéo dài như thế này, người nông dân rất mệt mỏi vì phải làm đi làm lại, mất mát nhiều mà vẫn chưa thể yên tâm.
Ông Lê Xuân Ngọc Hậu, ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) dùng bao tải chứa đất đắp bờ hạn chế nước chảy mạnh vào ruộng trong chiều 29.12. Ảnh: TRỌNG LỢI
Nỗi lo lắng của ông Trần Như, 62 tuổi, ở thôn Phổ Đồng, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), cũng không khác là bao. Ông trầm tư sau khi gieo sạ giống lúa BC 15 ngày 12.12 nhưng mưa đã làm mất giống. Đến lần gieo sạ thứ hai vào ngày 25.12, chỉ sau 4 ngày, nước lại tiếp tục dâng cao. “Với tình hình này, tôi phải tiếp tục bơm nước ra ngoài ruộng và theo dõi chặt chẽ tình hình”, ông Như nói.
Ông Trần Như, ở thôn Phổ Đồng, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) dùng máy bơm nước từ ruộng ra kênh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Mưa lớn không chỉ ảnh hưởng đến các diện tích lúa mà còn tác động nặng nề đến sản xuất rau màu và các loại cây trồng cạn khác. Ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hiệp, cho biết, thông thường đầu tháng 12 bà con trồng khổ qua, dưa leo… xuống giống, nhưng mưa kéo dài nên đến nay người dân không thể canh tác. Hiện tại, vùng rau sản xuất tập trung của HTX chỉ có thể canh tác trên 4 ha trong tổng diện tích 13,5 ha. Nếu tình trạng mưa tiếp tục kéo dài, không loại trừ khả năng thị trường sẽ gặp khó khăn về nguồn cung rau.
Mưa kéo dài khiến nông dân trong tỉnh mệt mỏi vì phải gieo sạ lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025 lại nhiều lần. Ảnh: TRỌNG LỢI
Mưa liên tục cũng làm “đảo lộn” lịch xuống giống của nông dân huyện Hoài Ân. Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, đến nay toàn huyện còn khoảng 70 ha đất canh tác lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025 chưa thể gieo sạ do ngập úng, chủ yếu ở các xã Ân Hảo Đông, Ân Phong và thị trấn Tăng Bạt Hổ.
Sẽ hỗ trợ cho hộ sản xuất chịu thiệt hại
Theo ông Dương Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), đợt mưa lớn từ ngày 27 - 29.12 đã khiến 4.549 ha lúa và rau màu tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố bị ngập. Các địa phương đang tiếp tục rà soát thiệt hại và làm báo cáo để có những biện pháp khắc phục.
Ông Phạm Quang Ân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, xác nhận: Đến chiều ngày 29.12, toàn huyện đã có 1.010 ha trong tổng số 6.050 ha lúa vụ Đông Xuân bị ngập, tập trung chủ yếu ở các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Hiệp và thị trấn Tuy Phước, gây thiệt hại lớn cho nhiều gia đình. Mưa kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến vụ lúa mà còn làm đứt đoạn quá trình canh tác, khiến nhiều diện tích lúa bị chết hoặc phải gieo lại. Các xã như Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Hiệp và thị trấn Tuy Phước là những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất, với nhiều diện tích thiệt hại trên 70%. Chính quyền và các cơ quan chức năng đang đồng hành với nông dân trong dự báo, hướng dẫn canh tác cây trồng theo lịch thời vụ nhưng với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và khó lường, nông dân vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn.
Gia đình ông Hồ Văn Tranh, ở thôn Mỹ Trung, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đang cấy lúa do giống bị ngập úng. Ảnh: TRỌNG LỢI
Ông Hồ Văn Tranh, 55 tuổi, ở thôn Mỹ Trung, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), chia sẻ: “Tôi đã gieo sạ giống Đài Thơm 8, nhưng do ngập úng, giống bị thối, tôi phải gieo lại lần nữa bằng giống ĐV 108. Tuy nhiên, mưa tiếp tục khiến giống bị chết nhiều, tôi phải mua mạ cấy thêm. Năm nay, thời tiết khó lường, chúng tôi thật sự rất chật vật trong việc sản xuất. Hy vọng vài ngày tới, trời sẽ tạnh ráo để nông dân kịp khôi phục lại sản xuất và đảm bảo nguồn cung lúa, rau màu cho thị trường trong năm 2025”.
Tranh thủ trời ngớt mưa, nông dân ra đồng chăm sóc lúa, dặm lại. Ảnh: TRỌNG LỢI
Trước tình hình khó khăn này, chính quyền địa phương đã và đang có những biện pháp hỗ trợ nông dân. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: Sở đã yêu cầu các địa phương tổng hợp tình hình thiệt hại, từ đó đề xuất các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho người dân theo các quy định tại Quyết định số 40 ngày 20.7.2018 của UBND tỉnh về hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai.
“Từ ngày 28 đến chiều 29.12, khu vực tỉnh Bình Định đã có mưa nhỏ đến mưa vừa diện rộng. Một số trạm đo mưa ghi nhận lượng mưa vừa, như Hồ Cẩn Hậu 32 mm và núi Bà Hỏa 22 mm. Dự báo, từ ngày 30 - 31.12, mưa sẽ xuất hiện ở một vài nơi trong tỉnh; đêm giao thừa vùng ven biển có khả năng mưa nhiều hơn. Ngày 1 và 2.1.2025, mưa vẫn tiếp diễn ở một số nơi và đến ngày 3.1, mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn do ảnh hưởng của không khí lạnh. Từ ngày 4.1, mưa tiếp tục diễn ra ở một vài khu vực trong tỉnh Bình Định”.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Bình Định.
TRỌNG LỢI