Thúc đẩy hội nhập quốc tế vì mục tiêu bước vào kỷ nguyên mới của Việt Nam
Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ cho biết: “Phương pháp tốt nhất mà tôi thấy cho Việt Nam để bước vào kỷ nguyên mới là thúc đẩy đầu tư và thương mại, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế”.
Tham tán Công sứ Lê Đình Bá giới thiệu gian hàng của đoàn Việt Nam với Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala, tại sự kiện Open Day của WTO hồi tháng 6.2024. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm, đưa dân tộc Việt Nam bước vào “kỷ nguyên vươn mình”, trong các cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Thụy Sĩ, các ý kiến cho rằng Việt Nam nên tiếp tục thực hiện những bước đi vững chắc trong quá trình hội nhập quốc tế, thúc đẩy cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Tham tán Công sứ, Phó trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva, ông Lê Đình Bá nhận định: “Tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển trước chúng ta đều tận dụng triệt để các diễn đàn, cấu trúc đa phương để nâng tầm và vị thế của mình.
Đối với Việt Nam, càng chủ động hội nhập chúng ta càng có nhiều lợi thế trên các diễn đàn và cấu trúc đa phương. Kinh nghiệm đổi mới, phát triển và hội nhập trong mấy chục năm qua là vốn liếng quý giá của đất nước để chủ động hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên mới.
Ở mặt trận đa phương, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để khai thác, tận dụng. Điều này càng đúng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, khi chúng ta càng hội nhập sâu rộng, càng có nhiều cam kết với chất lượng cao.
Và khi nền kinh tế của chúng ta phải tuân thủ các cam kết với tiêu chuẩn cao thì chúng ta cũng có quyền đòi hỏi các đối tác của mình có các cam kết với tiêu chuẩn tương tự. Đây là biểu hiện của nguyên tắc có đi có lại trong thương mại quốc tế.
Vì vậy, để đất nước có thể vươn mình, chúng ta phải thay đổi tâm thế, từ bị động sang chủ động, từ tiếp nhận viện trợ, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và tuân theo luật chơi, sang chia sẻ, đóng góp kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, đóng góp, kiến tạo luật chơi”.
Trong khi đó, ông Philip Rosler, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên Phó Thủ tướng Đức, cho rằng Việt Nam cần tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế, hướng đến những mục tiêu đã đề ra về việc phấn đấu tăng trưởng GDP.
Ông nói: “Phương pháp tốt nhất mà tôi thấy cho Việt Nam để bước vào kỷ nguyên mới là thúc đẩy đầu tư và thương mại, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế. Tôi nghĩ đây chính xác là những gì mà giới lãnh đạo Việt Nam đang thực hiện, và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Mọi sự chú ý đang tập trung vào Việt Nam, đặc biệt là trong năm 2025, Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Nhiều quốc gia sẽ có những đánh giá về những gì mà Việt Nam làm được trong quá khứ và những thành tựu trong quá trình phát triển xây dựng đất nước tới ngày nay”.
Ông Rosler nhấn mạnh hợp tác đa phương là cách thức để Việt Nam thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, mời gọi những nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam, coi đây là một trong những cách thức hiệu quả để Việt Nam củng cố vị thế trên trường quốc tế.
Chia sẻ cùng quan điểm với ông Philip Rosler, nguyên Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam - ông Ivo Sieber cũng tin tưởng rằng hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương là những gì mà Việt Nam cần tập trung cho “kỷ nguyên vươn mình”.
Theo ông, các thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế thương mại là điều Việt Nam cần trong thời gian tới.
Ông nói: "Tôi thấy các thỏa thuận tự do thương mại song phương đang được chú ý đến. Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA) đang đàm phán với nhiều quốc gia trên thế giới, và mới nhất đã đạt được thỏa thuận với Thái Lan.
Việt Nam là nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á chưa có thỏa thuận về thương mại với EFTA. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta đang có những động lực tốt để có thể tiến tới một thỏa thuận. Hy vọng điều này sẽ có lợi cho các bên, cũng như các doanh nghiệp".
Theo ANH HIỂN (TTXVN/Vietnam+)