Tây Sơn: Nhiều khu “đất vàng” chưa được khai thác hiệu quả
Hiện trên địa bàn huyện Tây Sơn có nhiều khu đất rộng hàng nghìn mét vuông, nằm ở vị trí đắc địa nhưng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả. UBND huyện Tây Sơn và các ngành chức năng liên quan của tỉnh cần sớm có giải pháp đưa các khu “đất vàng” vào khai thác, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, tránh gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Bỏ trống “đất vàng”
Khoảng 5 năm nay, sau khi Công ty CP Đường Bình Định ngưng hoạt động, khu đất xây dựng nhà máy sản xuất mía đường và xưởng sản xuất ván ép của DN này tại xã Tây Giang không được khai thác, sử dụng hiệu quả. Khu đất rộng hơn 9 ha nằm ở mặt tiền QL 19 hiện trở nên hoang phế, đìu hiu; các tài sản trên đất là công trình nhà xưởng và dây chuyền máy móc thiết bị nằm trơ trọi, ngày một hư hỏng, xuống cấp.
Khu đất Kho thóc cũ hiện bị cây dại, bụi gai bao phủ, chỉ một góc đất nhỏ được thanh niên tại địa phương tận dụng làm sân bóng chuyền. Ảnh: V.L
Nhà máy sản xuất mía đường Bình Định không còn hoạt động khiến Trạm giống mía tại xã Bình Tân cũng chung số phận. Khu đất trước kia làm Trạm giống mía rộng hơn 44 ha bỏ trống, không canh tác đã nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Đình Phương, ở xã Bình Tân, kiến nghị: “Các cấp chính quyền và ngành chức năng liên quan sớm có biện pháp đưa khu đất vào khai thác, sử dụng đúng mục đích để bà con có đất sản xuất”.
Một khu “đất vàng” khác trên địa bàn huyện Tây Sơn cũng bỏ trống nhiều năm nay là kho thóc cũ tại thôn 1, xã Bình Nghi. Kho thóc cũ nằm trên khu đất rộng khoảng hơn 5.000 m2, dọc theo mặt tiền QL 19, đối diện Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh. Hiện phần lớn diện tích khu đất bị cây dại, bụi gai bao phủ; tài sản trên đất chỉ còn lại 2 gian nhà đã xuống cấp nặng.
Theo ông Đỗ Văn Định, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, khu đất này trước đây là tài sản của Công ty CP lương thực Bình Định, nay do UBND huyện Tây Sơn quản lý. Địa phương mong sớm có DN đưa khu đất vào khai thác, đầu tư xây dựng công trình theo mục đích quy hoạch, vừa tránh lãng phí đất công, vừa tạo cảnh quan khang trang cho khu vực này.
Tương tự, khu đất thuộc hệ thống khách sạn của Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam trước đây (thuộc khu phố 4, thị trấn Phú Phong) có diện tích hàng nghìn mét vuông, nằm ngay mặt tiền QL 19 nhưng cũng bị “quên lãng” nhiều năm nay. Hiện cơ sở vật chất, tài sản trên đất đã hư hỏng, xuống cấp nặng; còn quỹ đất cũng chưa được khai thác, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Sớm khai thác, sử dụng hiệu quả
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Tây Sơn, cho hay: Tài sản trên đất tại nhà máy sản xuất mía đường Bình Định đã được một DN đấu giá trúng, nhưng do còn vướng một số thủ tục pháp lý nên chưa tháo dỡ. UBND huyện Tây Sơn đang phối hợp với Sở TN&MT làm việc với đơn vị trúng đấu giá và cơ quan chức năng liên quan để sớm đưa khu đất vào sử dụng theo quy hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế.
Đối với khu đất có hệ thống khách sạn của Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam trước đây, UBND huyện Tây Sơn đang đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, sử dụng vào mục đích xây dựng công viên cây xanh để tạo cảnh quan cho đô thị Phú Phong. Còn khu đất Kho thóc cũ đã được UBND huyện Tây Sơn đưa vào kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đất thương mại - dịch vụ và đang kêu gọi đầu tư. Riêng khu đất Trạm giống mía, theo chủ trương của tỉnh, huyện Tây Sơn đã giao UBND xã Bình Tân xây dựng phương án và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định.
Ông Hồ Sĩ Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân, thông tin: “Địa phương đang quản lý toàn bộ diện tích đất Trạm giống mía và thuê đơn vị tư vấn thiết kế đo đạc, lập phương án sử dụng đất trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được phê duyệt sẽ tổ chức đấu giá theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2024 nhằm tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân ở địa phương có đất sản xuất nông nghiệp, tránh lãng phí về đất đai”.
VĂN LỰC