Kiểm soát chặt để đảm bảo nguồn cung thịt sạch
Càng gần tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm càng tăng cao, đặt ra thách thức lớn trong công tác quản lý và kiểm soát hoạt động giết mổ. Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã trao đổi với Báo Bình Định về công tác kiểm soát giết mổ động vật thời điểm cuối năm.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp. Ảnh: TRỌNG LỢI
* Việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung góp phần giúp kiểm soát nguồn cung động vật. Ông có thể thông tin về tiến độ đầu tư tại các địa phương hiện nay?
- Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 6 cơ sở giết mổ động vật tập trung đang hoạt động. Trong đó, có 4 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với quy mô cơ giới, công suất thiết kế từ 400 - 500 con heo, 30 con bò và 2.000 con gia cầm/ngày đêm. Đặc biệt, cơ sở của Công ty Chăn nuôi CP tại KCN Nhơn Hòa (TX An Nhơn) có công suất thiết kế 800 con heo/ngày đêm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có 2 cơ sở giết mổ gia cầm theo quy mô thủ công và bán cơ giới, hoạt động chủ yếu ở TP Quy Nhơn và TX An Nhơn, trong đó cơ sở tại TX An Nhơn hoạt động theo mùa vụ. Các cơ sở giết mổ tập trung này chủ yếu nhận nguồn hàng từ các địa phương như TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và huyện Tuy Phước; còn các huyện như Phù Cát và TX Hoài Nhơn cũng đã có nhà đầu tư và đang hoàn thiện thủ tục. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung và UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương này xây dựng trong năm 2025.
* Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ quan chức năng sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Đúng vậy! Toàn tỉnh còn tồn tại hơn 400 điểm và cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chủ yếu phân bố ở các khu vực nông thôn. Nhằm khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát và lựa chọn một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ để nâng cấp, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và thiết bị. Đồng thời, các địa phương cũng khuyến khích hình thành các nhóm hoặc tổ hợp tác để đưa các hộ vào hệ thống giết mổ có tổ chức. Bên cạnh đó, lực lượng thú y cũng sẽ tăng cường kiểm soát và giám sát hoạt động giết mổ. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài và bền vững là các địa phương cần xây dựng thêm cơ sở giết mổ động vật tập trung. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã giao các địa phương triển khai xây dựng các cơ sở này theo kế hoạch trong năm 2025.
* Để đảm bảo chất lượng thịt và ngăn chặn tình trạng sản phẩm động vật kém chất lượng lọt vào thị trường từ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, năm 2024, Chi cục đã triển khai công tác kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ và chợ đầu mối như thế nào, thưa ông?
- Năm 2024, Chi cục đã thực hiện chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ và các chợ buôn bán thịt. Chúng tôi đã thu thập 70 mẫu thịt heo tại các cơ sở giết mổ và chợ để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm chất cấm Salbutamol, kháng sinh Chloramfenicol, tổng số vi khuẩn hiếu khí và Coliform. Kết quả kiểm tra cho thấy, tất cả mẫu thịt đều âm tính với chất cấm Salbutamol và dư lượng kháng sinh Chloramfenicol, đồng thời các chỉ số vi sinh đều nằm trong ngưỡng cho phép. Điều này cho thấy, công tác kiểm tra và giám sát của Chi cục đã đạt được kết quả tích cực, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng thực phẩm trong dịp cuối năm.
Hoạt động giết mổ gia súc tại Cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn của Công ty TNHH Sản xuất và chế biến thực phẩm Quy Nhơn. Ảnh: TRỌNG LỢI
* Dịp cuối năm, đặc biệt là cao điểm tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm sẽ tăng cao, Chi cục có biện pháp gì để đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân?
- Vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật sẽ tăng mạnh, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán, khi các gia đình chuẩn bị lễ cúng, giỗ, tất niên. Để đảm bảo nguồn cung thịt sạch, an toàn cho người tiêu dùng, Chi cục đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ. Trước hết, chúng tôi tập trung vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm soát bởi cơ quan thú y. Chúng tôi cũng tổ chức các tọa đàm về an toàn thực phẩm và gửi nội dung tuyên truyền đến các cơ quan báo chí của tỉnh, trong đó có các đài truyền thanh địa phương để nâng cao nhận thức cộng đồng.
Cùng với đó, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các tổ kiểm tra liên ngành để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán và giết mổ động vật, đặc biệt tại các cơ sở giết mổ và các chợ. Chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra các cơ sở giết mổ tập trung và nhỏ lẻ, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo Trạm Kiểm dịch động vật Cù Mông tăng cường kiểm tra động vật nhập tỉnh và phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Với những biện pháp chặt chẽ và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, tôi tin rằng công tác kiểm soát giết mổ động vật sẽ giúp đảm bảo nguồn cung thịt sạch, an toàn cho người dân, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)