Tuy Phước: Thăng trầm phong trào võ thuật ở Phước An
Từng là địa phương có phong trào võ thuật mạnh, với nhiều võ đường hoạt động sôi nổi, đến nay, Phước An (Tuy Phước) chỉ còn vài lò võ hoạt động. Nhưng dòng máu võ thuật vẫn ngầm chảy mạnh mẽ trong những người dân nơi đây.
1. Những năm sau ngày giải phóng đất nước, xã Phước An thường tổ chức biểu diễn võ thuật bằng hình thức thi đấu giao hữu. Thời điểm tổ chức vào mùa hè, thường diễn ra vào chiều tối, với sàn đài được dựng cao ngay giữa sân trường cấp II của xã, thu hút đông đảo võ sĩ, khán giả trong và ngoài xã tham gia thi đấu, cổ vũ. Bấy giờ, ngoài những võ đường có tên tuổi như Hà Trọng Sơn, Trần Can, Kim Bửu, Tạ Chí Thạnh, Đoàn Quý, còn có khá nhiều lò võ “vườn” theo kiểu cha truyền con nối như: Năm Phó, Năm Cảnh, Hai Sơn, Đặng Tâm, Tám Tòng… đua nhau dạy võ cho các lớp cháu con của mình và nhiều thế hệ trẻ yêu thích võ thuật ở xóm.
Vào những đêm trăng thanh, gió mát ở trước sân nhà của các lò võ thường tụ tập nhiều cụ già đến xem, bàn luận và cổ vũ cho phong trào võ thuật quê nhà. Quan điểm của các lò võ “vườn” là học võ để phòng thân, bảo vệ chính nghĩa, rèn luyện sức khỏe dẻo dai và nâng cao ý chí bản lĩnh của mình. Hầu hết các lò võ ở đây đều dạy môn phái võ cổ truyền nên có sức hút khá mạnh.
2. Võ sư Trần Can (sinh năm 1930, thôn Ngọc Thạnh 2, xã Phước An), là một trong những học trò tiêu biểu của cố võ sư Hà Trọng Sơn (người được mệnh danh là Hùm xám miền Trung). Võ sư Trần Can cho biết: Ông bắt đầu học võ từ năm 20 tuổi và có 21 năm làm võ sĩ (từ 1954 - 1975) tham gia thi đấu nhiều nơi trong nước từ Khánh Hòa, Đắk Lắk đến TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh thầy dạy võ đầu tiên là Hà Trọng Sơn, ông còn học thêm các thầy Trịnh Thiếu Anh (Hoài Nhơn), thầy Minh Cảnh (Sài Gòn). Năm 1960, ông mở lò dạy võ cho đến nay và đã góp phần đào tạo hàng ngàn võ sinh qua nhiều thế hệ.
Tuy hiện nay một số học trò của ông không còn theo đuổi nghiệp võ, nhưng họ vẫn luôn nhớ đến ông, thăm hỏi động viên ông. Trong sự nghiệp dạy võ của mình, võ sư Trần Can luôn nhắc tới 2 cái tên Thái Đình Bé và Đường Thiện Minh được ông coi là 2 trụ đồng võ thuật Phước An. Ngoài ra, Võ Thanh Tùng và Nguyễn Minh Hương cũng là những thế hệ học trò tiêu biểu góp phần làm rạng danh làng võ Phước An. Bây giờ tuy tuổi cao, sức yếu nhưng nhờ tinh thần minh mẫn nên võ sư Trần Can vẫn còn tiếp tục sự nghiệp dạy võ.
Nhận xét về làng võ Phước An và phong trào hoạt động của các lò võ ở địa phương hiện nay, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ nhiệm CLB TDTT Phước An, cho biết: “Từ sau ngày giải phóng 1975 - cuối năm 1999 là giai đoạn tiếp nối và phát triển mạnh mẽ của làng võ Phước An. Bên cạnh các lò võ tên tuổi được nhiều người biết đến còn có khá nhiều lò võ theo kiểu cha truyền con nối đua nhau hoạt động, tạo nên phong trào rộng khắp ở các xóm, thôn trong xã. Nhiều hoạt động thi đấu, biểu diễn võ thuật được xã đứng ra tổ chức đã thu hút hàng ngàn người xem, cổ vũ động viên. Song trên thực tế, phong trào hoạt động võ thuật ở Phước An có xu hướng giảm so với trước đây. Hiện chỉ còn vài lò võ tên tuổi duy trì hoạt động. Đây là điều đáng lo ngại hiện nay về công tác giữ gìn và phát triển võ thuật không chỉ ở Phước An mà kể cả một số xã khác trong huyện Tuy Phước. Hy vọng với chủ trương đưa võ thuật vào trường học đang được triển khai, phong trào võ thuật ở Phước An sẽ được khôi phục”.
ĐÀO BÙI KIM CƯƠNG