Ngoại giao Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, vững bước vươn xa
(BĐ) - Sáng 6.1, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Ngoại giao năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Hoài Trung - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Bùi Thanh Sơn - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; cùng đại diện lãnh đạo các bộ. Điểm cầu tỉnh Bình Định dự Hội nghị dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng.
Điểm cầu dự Hội nghị tại trụ sở UBND tỉnh. Ảnh: H.THU
Năm 2024, ngành Ngoại giao đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đưa quan hệ giữa nước ta với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Cục diện đối ngoại của Việt Nam đã có những chuyển biến căn cơ, tiếp tục phát huy, nâng tầm công tác đối ngoại. Thành quả này là nhờ tầm nhìn, tư duy và định hướng chiến lược, các quyết sách quan trọng, cùng sự tham gia trực tiếp vào công tác đối ngoại của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt trong việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ với các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.
Trong hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa… đã có những bước phát triển mới. Đặc biệt, ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, đã gặt hái nhiều thành quả quan trọng trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo… đem lại những động lực tăng trưởng mới cho kinh tế đất nước. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân, thông tin tuyên truyền đối ngoại đã được triển khai kịp thời, đồng bộ và hiệu quả. Nhờ đó, vị thế, uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao.
Báo cáo công tác đối ngoại tỉnh Bình Định năm 2024 tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Tỉnh Bình Định duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương, đối tác nước ngoài ngày càng sâu sắc hơn, thực chất và đi vào chiều sâu, trong đó chú trọng quan hệ với các đối tác truyền thống, hữu nghị, đồng thời, tích cực tìm kiếm đối tác nước ngoài mới, phù hợp để xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị.
Tỉnh Bình Định đã tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, nhiều sự kiện lớn, mới, mang tầm quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, góp phần quảng bá rất hiệu quả hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè quốc tế, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.
Đồng chí Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu: Thời gian tới, tỉnh Bình Định mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc kết nối, giới thiệu cho tỉnh các nhà đầu tư vào các lĩnh vực tiên phong, công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, trung tâm dữ liệu và an ninh mạng... Tỉnh cũng mong muốn được hỗ trợ tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của địa phương đến nhà đầu tư quốc tế; kết nối, tạo điều kiện vận động, thu hút các DN đầu tư các dự án, lĩnh vực. Đặc biệt là nhà đầu tư thực hiện các dự án có công nghệ hiện đại, xanh và tuần hoàn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương những kết quả đạt được của ngành đối ngoại nói chung và đặc biệt là Bộ Ngoại giao nói riêng trong năm 2024. Qua đó, góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển đất nước; tiếp tục làm rất tốt việc củng cố sự tin cậy chính trị cao hơn và nâng cấp quan hệ với các đối tác; không ngừng tăng cường mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn hoạt động ngoại giao.
Thủ tướng Chính phủ trao đổi, phân tích thêm về những bài học kinh nghiệm về công tác đối ngoại. Trong đó, có lưu ý ngành Ngoại giao phải nắm chắc tình hình trong nước, ngoài nước, phân tích đánh giá đúng, trúng, tham mưu chuẩn xác, không để Đảng, Nhà nước bị động, bất ngờ về chính sách đối ngoại đối với các đối tượng, đối tác, địa bàn. Đồng thời mong muốn ngành Ngoại giao chủ động đề xuất các đối sách kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả về đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Hoạt động ngoại giao cần thúc đẩy triển khai hiệu quả hơn nữa những thỏa thuận hợp tác với các nước trên thế giới, để biến thành nguồn lực quan trọng phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Công tác ngoại giao năm 2025 tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trước hết, phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tiếp tục giữ vững, củng cố, tăng cường cục diện đối ngoại của nước ta thuận lợi, thúc đẩy hòa bình, hợp tác, phát triển với tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước lớn, các nước láng giềng, các nước là bạn bè truyền thống của Việt Nam. Hoạt động ngoại giao phải góp phần thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất mới trong bối cảnh mới như: Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành xây dựng bộ máy ngành Ngoại giao tinh gọn, tiếp quản chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan kết thúc hoạt động đối ngoại để củng cố, tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Phải xây dựng và thực hiện Đề án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Ngoại giao; củng cố, tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đối ngoại ở trong và ngoài nước.
HOÀI THU