Tuy Phước đẩy mạnh phân loại rác thải tại nguồn
Đến nay, 13/13 xã, thị trấn thuộc huyện Tuy Phước đã ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đối với hộ gia đình, cá nhân. Qua đó, từng bước giảm lượng phát sinh rác thải phải thu gom, vận chuyển tới bãi chôn lấp tập trung để xử lý.
Hơn một năm nay, người dân ở thôn Quảng Tín (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) đã quen với việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nhà; tại mỗi nhà đều có 3 thùng nhựa dùng để chứa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải sinh hoạt khác.
Ông Trần Văn Mùi - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quảng Tín, cho biết: Người dân trong thôn thực hiện phân loại rác thải từ đầu tháng 11.2023 khi địa phương triển khai mô hình “Phân loại và xử lý CTRSH tại nguồn”. Sau khi người dân phân loại, chất thải thực phẩm được một HTX tới thu gom, đưa về ủ làm phân bón hữu cơ. Chất thải tái chế, tái sử dụng được người dân tận dụng bán phế liệu; còn chất thải sinh hoạt khác được đơn vị chức năng thu gom, đưa đi xử lý theo quy định.
Bà Huỳnh Thị Bảy, ở thôn Quảng Tín, phân loại rác thải tại nhà. Ảnh: V.L
Bà Huỳnh Thị Bảy, ở thôn Quảng Tín, chia sẻ: “Cán bộ xã, huyện và tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân thấy được việc phân loại rác thải mang lại nhiều lợi ích lâu dài. Dễ thấy nhất đó là chất thải thực phẩm sau khi phân loại có người tới tận nhà lấy, bà con không còn bận tâm tìm cách xử lý như trước kia. Hơn nữa, các loại rác thải phân riêng từng loại giúp giảm mùi hôi khi còn để trong nhà”.
Theo bà Trần Thị Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Lộc, từ hiệu quả việc phân loại rác thải ở thôn Quảng Tín, đến nay xã Phước Lộc đã nhân rộng mô hình ra các thôn còn lại của xã. Hiện hầu hết người dân đã thuần thục việc phân loại CTRSH và ý thức, trách nhiệm hơn trong giữ gìn, bảo vệ môi trường (BVMT). Ngoài ra, góp phần giảm khối lượng CTRSH phát sinh từ hộ gia đình và tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải sau phân loại.
Không riêng xã Phước Lộc, hiện tất cả xã, thị trấn của huyện Tuy Phước đã ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn đối với hộ gia đình, cá nhân. Theo Phòng TN&MT huyện Tuy Phước, đến tháng 10.2024, trên địa bàn huyện có 36.933/48.879 hộ tham gia mô hình phân loại CTRSH tại nguồn (đạt tỷ lệ hơn 75,5%). Qua đó, giảm đáng kể lượng phát sinh rác thải phải thu gom, đưa đi xử lý tại bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ (TP Quy Nhơn).
Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Tuy Phước, cho hay: UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo đúng quy định của Luật BVMT năm 2020. Hiện các địa phương đều có kế hoạch, phương án thu gom, phân loại rác thải cụ thể và đa số áp dụng mô hình phân tán khi thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Theo đó, mỗi cụm dân cư (10 - 20 hộ) bố trí 1 thùng nhựa HDPE để người dân bỏ chất thải thực phẩm vào ủ.
Ngoài ra, đối với các hộ dân có đất vườn rộng thì sử dụng hố ủ chất thải thực phẩm làm phân hữu cơ bón cho rau, hoa màu. Các hộ có đất vườn rộng và chăn nuôi thì tận dụng chất thải thực phẩm làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Riêng chất thải tái chế, tái sử dụng và chất thải sinh hoạt khác thì người dân phân loại, tập kết tại nhà để đơn vị chức năng tới thu gom, đưa đi xử lý theo quy định.
Theo ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Bên cạnh đó, quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; xây dựng các điểm tập kết CTRSH đảm bảo khoảng cách an toàn và yêu cầu về BVMT. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn huyện. Xử lý nghiêm các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH tại nguồn theo đúng quy định.
Ở địa phương, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn cụ thể việc phân loại CTRSH đến hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Hướng dẫn quy trình xử lý chất thải thực phẩm sau phân loại bằng phương pháp chôn lấp, ủ có sử dụng men vi sinh đảm bảo vệ sinh môi trường.
Huyện cũng phối hợp với đơn vị thu gom xây dựng mạng lưới thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH sau phân loại và mạng lưới thu gom chất thải tái chế, tái sử dụng. Thành lập và phát huy hiệu quả hoạt động của tổ, xóm tự quản, CLB BVMT trong phân loại rác thải. Qua đó, hình thành thói quen, cũng như nâng cao trách nhiệm của người dân và cộng đồng dân cư đối với việc phân loại rác thải tại nguồn.
VĂN LỰC