Người có tâm với công tác hòa giải
Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Quang (huyện An Lão), ông Đinh Văn Quế, người dân tộc H’re, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác Mặt trận, đặc biệt ông còn tích cực phối hợp với Chi bộ, Ban quản lý, Trưởng Ban Công tác Mặt trận và người có uy tín tại các thôn cùng tham gia hòa giải nhiều vụ việc, góp phần giữ gìn ANTT ở cơ sở.
Ông Đinh Văn Quế (bìa trái) cùng Tổ hòa giải thôn 2, xã An Quang (huyện An Lão) thường xuyên tuyên truyền pháp luật cho các hộ gia đình. Ảnh: T.C
Ông Quế cho biết, xã An Quang có trên 95% dân số là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, từ năm 2019 đến nay, ông luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và địa phương; cùng đó, tham gia chủ trì hòa giải thành công 38 vụ mâu thuẫn, bất hòa tại các khu dân cư, hàn gắn tình cảm giữa các bên, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Điển hình là vụ việc tranh chấp gần 40 m2 đất ranh giới trồng keo giữa hộ ông Đ.V.T (dân tộc H’re, ở thôn 2) và các hộ ông T.V.T và T.V.H. (dân tộc Kinh, cùng ở thôn Xuân Phong Bắc, thị trấn An Lão) xảy ra vào tháng 5.2024. Cụ thể, hai ông T.V.T và H. trước đây có phát quang một đám đất hoang tại khu vực Nước Trong để trồng cây keo, sát với phần đất canh tác của ông Đ.V.T; tuy nhiên, khi ông T.V.T và H. chuẩn bị khai thác cây để bán, ông Đ.V.T cho rằng phần ranh giới đất của hai bên là thuộc về mình, không được khai thác, dẫn đến các gia đình xảy ra cãi vả, gây gổ đánh nhau.
Nắm được tình hình, ông Quế cùng Tổ hòa giải thôn 2 đã mời cán bộ Địa chính, Nông nghiệp, Xây dựng và Môi trường (UBND xã) đến để xác định lại ranh giới đất; mời các hộ cùng nói chuyện, phân tích những đúng sai của các bên, tiến hành hòa giải; kết quả là các hộ đã thống nhất, tự nguyện chia đôi phần ranh giới đất.
Ông Quế cho rằng: Làm công tác hòa giải ở cơ sở không dễ, vì thế người làm công tác này cần phải có sự khéo léo, lòng kiên nhẫn và nhiệt tình. Hòa giải là lúc thì trò chuyện với người này, lúc khác tâm sự với người kia, để tìm hiểu kỹ bản chất sự việc, rồi tìm ra mấu chốt vấn đề, tập trung vào đó tháo gỡ; đồng thời, phải giải thích, giải quyết thấu tình đạt lý để các bên hiểu ra được cái đúng sai của mình, dần dần hóa giải được những mâu thuẫn.
“Đối với những vụ việc khó giải quyết, tôi sẽ cùng cán bộ thôn mời người có uy tín, già làng hoặc những người lớn tuổi trong dòng họ để có tiếng nói trong những vụ mâu thuẫn, vì nếu họ tác động đến con cháu của mình sẽ tốt hơn nhiều, mâu thuẫn sẽ được hóa giải sớm, giúp tình làng nghĩa xóm bền chặt”, ông Quế chia sẻ.
Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền, ông Quế vinh dự được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
TRIỀU CHÂU