Đốt rác - hệ lụy xấu cho môi trường
Lâu nay, nhiều người thường có thói quen dồn các loại rác thải sinh hoạt - trong đó chiếm đa số là bao bì ny lông, giấy và chai, lọ nhựa - thành đống trong vườn nhà rồi xử lý bằng cách đốt. Thực trạng này thường xảy ra phổ biến ở khu vực nông thôn, miền núi và thỉnh thoảng cũng có ở vùng ven đô thị trên địa bàn tỉnh.
Hầu hết người dân cho rằng cách xử lý này vừa nhanh, gọn; vừa đỡ tốn phí dịch vụ thu gom rác thải, lại giúp vườn nhà sạch sẽ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, việc xử lý rác thải bằng cách đốt thủ công gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.
Trong đó, việc đốt rác làm giải phóng các hóa chất nguy hiểm như dioxin, furan và thủy ngân. Đây là những chất có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, nhất là các bệnh về hô hấp, ung thư và suy giảm hệ miễn dịch.
Nhiều người thường có thói quen đốt rác thải, nhưng việc này gây ra nhiều hệ lụy xấu đối với môi trường và sức khỏe con người. Ảnh: M.N
Ngoài ra, việc đốt rác thải khiến không khí bị ô nhiễm, bởi quá trình đốt tạo ra các hạt bụi mịn, lưu huỳnh dioxit (SO₂) và nitơ oxit (NOx). Điều này dẫn đến chất lượng không khí kém, ảnh hưởng các vấn đề về hô hấp và bệnh tim cho con người. Đốt rác thải còn tạo ra carbon dioxit (CO₂) và methane (CH₄), những tác nhân phát thải khí nhà kính, làm trầm trọng hiện tượng biến đổi khí hậu.
Chưa hết, rác sau khi cháy tạo ra tàn tro, trong đó có thể chứa các chất nguy hiểm như kim loại nặng, thủy ngân và chì. Những chất này ngấm vào đất và mạch nước ngầm, gây ô nhiễm đất, nước; ảnh hưởng xấu đến cây trồng và gây hại hệ sinh thái dưới nước.
Việc đốt rác còn phát sinh mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng sống và sức khỏe những người xung quanh, thậm chí có thể gây đau đầu, buồn nôn, khó thở. Đặc biệt, đốt rác không kiểm soát có thể dẫn đến các vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng con người.
Theo TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), hệ lụy từ việc đốt rác thải là rất lớn đối với môi trường và sức khỏe con người. Do đó, thay vì tập trung rác thải thành đống rồi đốt, các cá nhân, hộ gia đình cần phải xử lý rác thải sinh hoạt đúng cách thông qua việc phân loại, tái chế, ủ phân và tích cực tham gia dịch vụ thu gom, xử lý rác thải. Điều này vừa giúp xử lý rác thải sinh hoạt bền vững, góp phần bảo vệ môi trường; vừa có thể tận dụng tối đa rác thải nhựa, kim loại, giấy… vào việc tái chế, tái sử dụng.
MINH NHÂN