Thay đổi trong học và thi tiếng Anh: Hướng tới việc học để giao tiếp thực tế
Trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT, áp dụng từ năm 2025, Bộ GD&ÐT quy định tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc; chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không còn được quy đổi thành điểm 10 như trước, mà chỉ được sử dụng để miễn thi môn ngoại ngữ. Cùng với đó, ở kỳ thi vào lớp 10, Bộ GD&ÐT cũng không quy định bắt buộc thi môn tiếng Anh như trước đây.
Những thay đổi này có thể tạo nên những thay đổi trong việc dạy và học môn tiếng Anh, theo đó, người học sẽ chú trọng hơn về hiệu quả trong thực tế thay vì chỉ học để thi.
Thay đổi để thích nghi
Không ít người cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT tạo ra nhiều áp lực nhưng cũng là động lực để học sinh nỗ lực học tập. Khi không còn thi môn tiếng Anh, các em có thể sẽ xao nhãng và không chú tâm như trước.
Nhưng một số học sinh khác cho rằng, đây là cơ hội để tìm ra ý nghĩa thực sự của việc học tiếng Anh, là cơ hội để tập trung học tiếng Anh theo cách thú vị hơn, như tham gia thường xuyên các CLB tiếng Anh, giao lưu văn hóa hay sử dụng các ứng dụng học tập hiện đại.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong một tiết học giao tiếp tiếng Anh. Ảnh: HỒ ĐIỂM
Em Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 12A1 Trường Quốc học Quy Nhơn, chia sẻ: Việc tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc và bỏ quy đổi chứng chỉ thi ngoại ngữ khiến em nhẹ nhõm hơn, nhưng em cũng lo rằng mình sẽ thiếu động lực học. Em kỳ vọng nhà trường sẽ tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa để tăng cơ hội thực hành.
Cô Trần Thị Dưỡng, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT số 1 An Nhơn (TX An Nhơn), nhận định: Việc tốt nghiệp THPT không thi tiếng Anh có thể khiến một số học sinh mất động lực, nhưng đây cũng là cơ hội để chúng tôi đổi mới cách giảng dạy.
Theo cô Dưỡng, thách thức lớn nhất là để học sinh hiểu được giá trị thực sự của tiếng Anh. Trước đây, giáo viên thường tập trung vào ngữ pháp và luyện đề thi, nhưng bây giờ, trọng tâm là phát triển kỹ năng giao tiếp. “Chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động như diễn kịch, thuyết trình, mô phỏng tình huống thực tế, thực hành hội thoại với nhiều hướng phong phú hơn, nhằm tạo cho học sinh cảm thấy hào hứng”, cô Dưỡng nói thêm.
Nhiều ý kiến cho rằng quyết định của Bộ GD&ĐT đã “trả tiếng Anh về đúng vị trí của nó”, đó là môn học rèn luyện kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ, thay vì chỉ dạy ngữ pháp để phục vụ các kỳ thi. Do đó, các trường nên tổ chức các chương trình giao lưu với người bản xứ và khuyến khích học sinh tham gia các kỳ thi quốc tế như IELTS, TOEFL để tạo động lực học tập lâu dài.
Học gắn với trải nghiệm thực tế
Ở khu vực thành thị, nơi học sinh có điều kiện tiếp cận các chương trình học tập hiện đại, việc thích nghi sẽ nhanh chóng. Nhưng ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi thiếu giáo viên giỏi và tài nguyên học tập, đây là vấn đề đáng được quan tâm.
Ông Hồ Văn Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh), chia sẻ: Chúng tôi xem đây là cơ hội để nâng cao chất lượng giảng dạy, chú trọng nhiều hơn vào thực hành, giao tiếp thực tế cho học sinh. Nhưng để đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh. Đặc biệt đối với địa bàn miền núi chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn hơn.
Ông Thảo cho biết, trường sẽ tăng cường xây dựng các lớp học tích hợp kỹ năng giao tiếp và tổ chức các buổi học ngoại khóa, các CLB, cuộc thi tiếng Anh, dự án bằng tiếng Anh… cho học sinh. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại rằng việc triển khai ở vùng nông thôn sẽ gặp khó khăn do thiếu thốn về tài nguyên và môi trường học tập hơn các địa phương khác.
Để đảm bảo thay đổi này đạt hiệu quả, ngành giáo dục cần tính toán các bước đi cụ thể như: Tập trung vào các kỹ năng giao tiếp và sử dụng tiếng Anh trong môi trường thực tế; xây dựng môi trường học tập năng động bằng việc tăng cường các CLB tiếng Anh, chương trình trao đổi văn hóa, các hoạt động ngoại khóa; đầu tư vào các chương trình bồi dưỡng chuyên môn và cung cấp tài liệu giảng dạy phù hợp; kết nối với các tổ chức nước ngoài để mang lại cơ hội học tập thực tế và khuyến khích học sinh tham gia các kỳ thi quốc tế…, nhằm xây dựng một thế hệ học sinh sẵn sàng hội nhập toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, quy định mới về việc tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc và không quy đổi chứng chỉ thi ngoại ngữ là thay đổi phù hợp, giải quyết những bất cập trong đánh giá kết quả thi, khuyến khích học sinh tập trung vào quá trình học tập, không chạy theo chứng chỉ để được miễn thi một cách hình thức; tạo ra sự linh hoạt cho học sinh và giáo viên trong việc học gắn với trải nghiệm thực tế.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục có các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh, bao gồm các khóa tập huấn giáo viên, tổ chức hội thảo về phương pháp giảng dạy hiện đại; khuyến khích các trường liên kết với các tổ chức quốc tế, hoạt động trải nghiệm học tiếng Anh thực tế… để mang lại cơ hội học tập phong phú hơn cho học sinh”, ông Hùng chia sẻ.
HỒ THỊ ĐIỂM