Công tác Chống khai thác IUU: Vào cuộc đồng bộ, chuyển biến rõ nét
Sáng 14.1, Hội nghị trực tuyến lần thứ XII của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU diễn ra với sự tham gia của đại diện 28 tỉnh, thành phố ven biển, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì. Hội nghị tập trung vào các biện pháp quyết liệt để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản từ EU và nâng cao hiệu quả quản lý ngành thủy sản.
Tại điểm cầu Bình Định, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo IUU tỉnh, chủ trì hội nghị; cùng sự tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo IUU tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương ven biển.
Hợp tác liên vùng và ứng dụng công nghệ vào quản lý
Sau hơn 7 năm triển khai, công tác chống khai thác IUU và gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EU đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cơ quan chức năng đã rà soát và nắm chắc được số lượng tàu cá trên cả nước, hoàn thành cơ bản việc xử lý tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản). Công tác giám sát và kiểm soát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng đã được cải thiện đáng kể. Các cơ quan chức năng đã triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT), giúp đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu.
Việc thực hiện quy định chống khai thác IUU vẫn còn một số bất cập, trong đó có khâu giám sát sản lượng hải sản khai thác. Ảnh: T.LỢI
Là một trong những tỉnh trọng điểm về nghề cá, tỉnh Bình Định đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để giảm thiểu tình trạng khai thác IUU. Nhờ đó, nhận thức của ngư dân và cán bộ quản lý được nâng cao, công tác quản lý và giám sát tàu cá ngày càng chặt chẽ hơn; các biện pháp kiểm soát, thanh tra, xử lý vi phạm được thực hiện thường xuyên, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo Sở NN&PTNT, đến ngày 13.1, toàn tỉnh đã đăng ký 5.988 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên, trong đó có 5.782 tàu cá được cấp phép khai thác thủy sản. 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên (3.190 tàu) đang tham gia hoạt động khai thác thủy sản đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập cảng, nhất là đối với các tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, nhằm ngăn ngừa việc khai thác bất hợp pháp.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường hợp tác với các tỉnh ven biển phía Nam, nhằm phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý tàu cá; tổ chức các đoàn công tác vận động ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài, nhất là các tàu có nguy cơ cao; ký quy chế phối hợp với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Kiên Giang để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tàu cá và đảm bảo an toàn cho ngư dân trong hoạt động khai thác.
Quyết tâm và quyết liệt hơn
Tuy vậy, Sở NN&PTNT cũng cho rằng tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Trong năm 2024, toàn tỉnh có 10 tàu cá bị bắt giữ bởi lực lượng nước ngoài, trong đó 9 tàu có chiều dài dưới 15 m làm nghề câu mực, không thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Bên cạnh đó, dù được triển khai rộng rãi, hệ thống eCDT vẫn còn gây khó khăn trong quá trình sử dụng, nhất là với những ngư dân lớn tuổi. Một số cảng cá trong nước chưa triển khai hệ thống eCDT đầy đủ, khiến việc khai báo và xác nhận nguồn gốc thủy sản gặp trở ngại.
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm: Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, nâng cấp hệ thống eCDT, tích hợp các phần mềm quản lý tàu cá, nhật ký khai thác điện tử vào hệ thống để đảm bảo việc cập nhật thông tin kịp thời và xử lý nhanh chóng các vấn đề phát sinh.
Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận những nỗ lực và kết quả của các địa phương, đồng thời chỉ ra rằng, tình trạng vi phạm chống khai thác IUU vẫn tồn tại và cần phải được xử lý triệt để. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung vào việc xử lý dứt điểm các tàu cá “3 không”, đẩy nhanh tiến độ gia hạn, cấp giấy phép khai thác thủy sản, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc mất kết nối tín hiệu VMS và tình trạng tháo dỡ thiết bị giám sát hành trình của tàu cá.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần có các phương án lâu dài về quản lý và giám sát tàu cá từ trên bờ, nâng cấp hệ thống hạ tầng cảng cá và xử lý tình trạng mất tín hiệu kết nối do chất lượng tín hiệu giám sát hành trình kém. Các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục theo dõi, đánh giá và thực hiện quyết liệt các khuyến cáo từ EC nhằm đạt mục tiêu gỡ “thẻ vàng” của EU.
Đến cuối năm 2024, 83% trong số 215 tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m của Bình Định thường xuyên hoạt động tại các tỉnh phía Nam đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong năm 2024, tỉnh đã giám sát hơn 51.000 tấn thủy sản và xác nhận hơn 12.000 tấn cá các loại. Tất cả sản phẩm thủy sản khai thác đều được chứng nhận đúng quy trình, không có lô hàng nào bị trả về.
Bên cạnh đó, tỉnh đã xử lý 126 trường hợp khai thác IUU, thu nộp gần 11,5 tỷ đồng; khởi tố 1 vụ án liên quan đến 2 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
TRỌNG LỢI