Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi dân gian:
Gắn kết giữa cung và cầu
Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi dân gian ở tỉnh ta được quan tâm và gặt hái kết quả đáng ghi nhận. Sự thành công này bên cạnh những nỗ lực của ngành văn hóa, địa phương, lực lượng nghệ nhân, còn có nguyên nhân quan trọng là sự đón nhận của các tầng lớp nhân dân đối với bài chòi.
Bài chòi dân gian được ủng hộ
Trong giai đoạn đầu mới phục dựng, hội đánh bài chòi dân gian Bình Định chỉ được tổ chức trong các lễ hội lớn ở một vài địa phương trong tỉnh. Đến nay, nhờ sự ủng hộ của nhân dân, hội đánh bài chòi đã ngày càng được mở rộng tổ chức ở nhiều xã, phường: Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Nhơn Phong của thị xã An Nhơn; Hoài Thanh, Hoài Hương, Tam Quan Nam, Hoài Châu Bắc của huyện Hoài Nhơn; Cát Tiến, Cát Tường, Cát Trinh huyện Phù Cát; Nhơn Hải, Nhơn Châu, Nhơn Lý của TP Quy Nhơn... Ông Nguyễn Văn Huân (60 tuổi), nhà ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn, cho biết: “Tháng nào tôi cũng rủ người thân ra chơi hội đánh bài chòi dân gian do Trung tâm VH-TT TP Quy Nhơn tổ chức từ sau Tết Giáp Ngọ đến nay, để ủng hộ cho việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống độc đáo của quê hương”.
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường của Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hà (Khoa Giáo dục Tiểu học và Mầm non của Trường Đại học Quy Nhơn) đã tiến hành điều tra khảo sát về nghệ thuật bài chòi trong đời sống người dân Bình Định vào năm 2012, 2013. Kết quả, hầu hết công chúng trên 18 tuổi tham gia bài chòi dân gian đều thật sự cảm thấy thích thú với loại hình sinh hoạt này. Tuy nhiên, ở mỗi nhóm lứa tuổi lại có tỉ lệ ưa thích khác nhau: chiếm 95% đối với nhóm độ tuổi trên 50; 90% đối với nhóm tuổi 36- 50 và 67,5% đối với nhóm tuổi 18- 35. Riêng nhóm công chúng dưới 18 tuổi cũng muốn có nhiều cơ hội để tham gia sinh hoạt bài chòi dân gian. Phần lớn công chúng đến với sinh hoạt bài chòi là để thưởng thức nghệ thuật hô bài chòi (tỉ lệ 66%) và không khí rộn ràng của hội chơi.
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hà nhìn nhận: “Khả năng tồn tại của di sản bài chòi cao hay thấp, có thể hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào thị hiếu và sở thích của công chúng đối với loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian này. Hầu hết công chúng được điều tra ở Bình Định (tỉ lệ 98%) đều nhất trí bảo tồn, phát triển bài chòi dân gian. Nhóm công chúng trẻ dù chưa định hình thị hiếu cụ thể đối với bài chòi, nhưng họ đã hình thành thái độ và ý thức bảo vệ vốn văn hóa truyền thống của cha ông. Một số công chúng không tham gia sinh hoạt bài chòi, chưa biết đến nghệ thuật bài chòi, nhưng tự hào với “đặc sản” nghệ thuật của quê hương nên họ vẫn tán thành việc bảo tồn. Đây là điều đáng mừng đối với việc phát huy bài chòi dân gian trong tương lai”.
Đa dạng hình thức tiếp cận công chúng
Ngoài hội đánh bài chòi dân gian, nên xây dựng kế hoạch phục hồi, giới thiệu những thể loại độc đáo khác của bài chòi dân gian. Cần tạo điều kiện cho các nghệ nhân giỏi vốn còn lại rất ít, được có điều kiện biểu diễn, hoặc đào tạo đội ngũ kế thừa. Nghệ nhân Lê Thị Đào (89 tuổi, hiện ở xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn), tâm sự: “Ngày càng gần đất xa trời, nên điều tâm nguyện là vốn liếng bài chòi cổ tích lũy cả đời có được điều kiện truyền dạy cho lực lượng trẻ hôm nay. Qua đó, các em, các cháu có thể tiếp tục kế thừa việc giới thiệu, quảng bá đúng về những nét độc đáo của nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định đến với công chúng”.
Đưa nghệ thuật bài chòi dân gian đến với các thế hệ trẻ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn di sản trong tương lai. Theo kết quả khảo sát nêu trên, đối với lứa tuổi dưới 18, số công chúng được tham gia hội bài chòi không nhiều (tỉ lệ 11%). Điều này phần nào cho thấy việc thông tin quảng bá, giới thiệu về bài chòi dân gian đến với học sinh các cấp còn thiếu và yếu…
Để đưa bài chòi dân gian tiếp cận công chúng bằng nhiều hình thức, Sở VH-TT & DL đã định hướng chỉ đạo xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT & DL, cho biết: “Đề án sẽ đặt ra mục tiêu đến năm 2020 mỗi làng, thôn đều tự hình thành nhóm nghệ nhân sinh hoạt nghệ thuật bài chòi dân gian gắn liền với các hoạt động văn hóa cộng đồng. Đề ra các giải pháp thực hiện nhằm định hình ở cấp huyện và tỉnh những hoạt động gắn liền với đời sống văn hóa như hội thi diễn xướng nhân vật hiệu, sáng tác câu thai, hội thi biểu diễn bài chòi cổ, liên hoan hội đánh bài chòi dân gian do ngành văn hóa đứng ra tổ chức”.
Đề án cũng đưa ra giải pháp giúp chính quyền địa phương có kế hoạch phối hợp với các trường phổ thông, ngành văn hóa đứng ra tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, biểu diễn ngoại khóa bài chòi dân gian; xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về nghệ thuật bài chòi dân gian trong hội đồng đội, thanh thiếu niên phù hợp với lứa tuổi, nhằm giúp cho học sinh được tiếp cận, bồi đắp ý thức gìn giữ bài chòi dân gian.
Hoài Thu