Không tự ý chữa hen phế quản
Thở nhanh trên 30 lần/phút hoặc thở chậm dưới 16 lần/phút, vã mồ hôi, nói từng câu ngắn, ho khạc khó, tím tái, bất an kích thích… là những dấu hiệu điển hình của viêm phế quản. Một vấn đề quan trọng với căn bệnh này là bệnh nhân cần được chẩn đoán, điều trị đúng phương pháp, tránh tình trạng kháng thuốc.
5% người mắc viêm phế quản
Bệnh nhân Phạm Văn C. - 49 tuổi, ở khu vực 6, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn - bị hen phế quản từ lúc thiếu niên, nhưng điều trị dự phòng không đều. Ngày 23.4.2013, bệnh nhân ho có đàm, sổ mũi, khó thở, nên tự mua thuốc có Cephalexin uống. Ngay sau khi uống thuốc thì khó thở, kèm nổi mẩn đỏ ngoài da, ngứa. Ông C. được đưa vào khoa Hồi sức cấp cứu Nội, BVĐK TP Quy Nhơn trong tình trạng khó thở trung bình, 2 phổi có ran rít, da có mẩn đỏ, kết mạc mắt sung huyết, được chẩn đoán hen phế quản, dị ứng thuốc Cephalexin, suy hô hấp độ II.
Bệnh nhân bị hen phế quản nên đi khám để bác sĩ tư vấn cách ngừa cơn và điều trị cắt cơn, điều trị dự phòng.
- Trong ảnh: Bệnh nhân viêm phế quản đang được điều trị tại Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn.
Bệnh nhân C. được chỉ định thở oxy, dùng thuốc giãn phế quản, chống dị ứng. Sau 24 giờ, ông C. đã thở dễ dàng, tự đi lại được. Đồng thời, bệnh nhân đã được tư vấn điều trị dự phòng hen và cách dùng thuốc an toàn, hợp lý, tránh tái phát cơn hen và dị ứng thuốc.
Hen phế quản có xu hướng ngày càng tăng, hiện đang là vấn đề sức khỏe mang tính toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới ước tính hiện có khoảng 300 triệu người bị hen phế quản, thường gặp ở trẻ em. Trong cộng đồng, tỉ lệ bị hen phế quản khoảng 5%, riêng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 10%. Tại khoa Nội và Hồi sức cấp cứu, BVĐK TP Quy Nhơn, trong 4 tháng đầu năm 2013, có 40 lượt bệnh nhân đến cấp cứu và điều trị hen phế quản.
Nếu không được quản lý và điều trị tốt, hen phế quản có thể ảnh hưởng khả năng lao động, chất lượng cuộc sống, thậm chí có thể tử vong nếu bệnh nhân bị hen phế quản ác tính không được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân của cơn hen phế quản ác tính thường là do bệnh nhân nhập viện muộn, nhiễm trùng hô hấp nặng; tự dùng thuốc gây co thắt phế quản, điều trị không đúng cách tại nhà. Khi nhập viện muộn, việc cắt cơn hen sẽ khó hơn, thời gian điều trị kéo dài, chi phí tăng.
Không tự ý điều trị
Khi bệnh nhân lên cơn hen tại nhà, việc trước tiên là nên tìm chỗ nghỉ ngơi thoáng khí, sưởi ấm nếu trời quá lạnh. Có thể sử dụng thuốc cắt cơn dạng hít như ống hít định liều Ventolin hoặc Asthalin mỗi lần 2 nhát hít, sau 20 phút có thể lặp lại lần 2; hoặc khí dung Ventolin bằng máy mỗi lần 1 ống 2,5-5mg, lặp lại lần 2 sau 20 phút. Nếu bệnh nhân không đỡ, nên nhập viện ngay.
Để hạn chế lên cơn hen, việc quan trọng là tránh tiếp xúc dị nguyên: phấn hoa, bụi, lông súc vật, hóa chất, thức ăn, khói thuốc lá… Ngoài ra, người bị hen nên tránh dùng các thuốc gây co thắt phế quản như Aspirin, thuốc ức chế beta, kháng viêm… Khi trời lạnh hoặc chuyển mùa, phải mặc đủ ấm, tránh gió lùa.
Bệnh nhân bị hen phế quản nên đi khám để bác sĩ tư vấn cách ngừa cơn và điều trị cắt cơn, điều trị dự phòng; nên chuẩn bị thuốc khi đi xa. Nếu sử dụng thuốc tại nhà không đúng sẽ làm cho bệnh nặng lên, gây khó khăn cho điều trị. Ngày nay, nhiều loại thuốc đã không còn dùng trong điều trị hen nhưng bệnh nhân vẫn tự ý sử dụng như Ephedrin, Asmin, K-cort…
Để kiểm soát tốt bệnh hen, bệnh nhân cần phải đi khám tại phòng khám chuyên khoa Nội hoặc hô hấp. Bác sĩ sẽ xác định có đúng hen hay không, phân bậc hen, xác định dị nguyên, chỉ định phác đồ điều trị cắt cơn và dự phòng thích hợp. Bệnh nhân sẽ được cấp sổ theo dõi bệnh và số điện thoại tư vấn khi cần thiết. Một điều cần lưu ý, trong điều trị hen phế quản, kháng sinh không được dùng một cách tùy tiện, thường quy mà chỉ dùng khi có bội nhiễm (sốt, đàm đục mủ, lượng đàm tăng…). Việc sử dụng kháng sinh không đúng sẽ gây tình trạng kháng thuốc, rất khó điều trị về sau.
BS. BÀNH QUANG KHẢI
(Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn)