Một vùng có khả năng ô nhiễm nặng cần được kiểm tra
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có số nạn nhân phơi nhiễm da cam, trẻ khuyết tật, bị bệnh tim bẩm sinh khá cao, đa số lành tính. Trong khi đó, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước, nhiều người khuyết tật để lại di chứng phức tạp, có nguy cơ tử vong cao.
Nằm ở phía Tây Nam huyện Tuy Phước, Phước An có địa hình thung lũng, xung quanh là núi đồi. Đặc biệt, phía Tây giáp núi Sơn Triều (đồi An Sơn). Xã có 10 thôn, thì có đến 4 thôn nằm sát núi đồi.
Năm 2004, các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên ngành Hóa độc học, thuộc Quỹ Bảo trợ nạn nhân da cam của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã nhiều lần đến khảo sát đồi An Sơn, nơi Sư đoàn 22 của quân đánh thuê Nam Triều Tiên từng đóng quân. Ở đây, đoàn đã trực tiếp xem xét 4 hầm chứa chất độc hóa học, trong đó có chất độc da cam. Số chất độc này đã được quân đội Mỹ vận chuyển ra sân bay Gò Quánh (sân bay Phù Cát) để rải thảm xuống các tỉnh Duyên hải miền Trung giai đoạn 1961-1972.
Sau này, 4 hầm chứa chất độc hóa học ở đồi An Sơn đã được các đơn vị chức năng khử độc. Tuy nhiên, tồn dư các chất diệt cỏ đã ngấm sâu trong lòng đất. Đây thực sự là một mối lo ngại lớn, là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm cho người dân ở Phước An.
Một trong những trường hợp điển hình là Võ Ngọc Anh, sinh năm 1980, ở thôn Ngọc Thạnh 1. Anh đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh giúp đỡ, được phẫu thuật ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) và Viện Quân y 103 (Hà Nội) cắt bỏ khối u ở cánh tay phải nặng trên 36kg. Hiện nay, Võ Ngọc Anh còn một tay trái, kiếm sống bằng nghề bán vé số.
Mới đây, chỉ một thời gian ngắn phát hiện chứng viêm khớp gối, gối trái của Phan Mỹ Ph. - sinh năm 1994, ở thôn Thanh Huy 1 - đã sưng to, da xuất hiện nhiều mạch máu ngoại vi. Gia đình lo cho em chữa trị tại nhiều bệnh viện lớn, nhưng đều thất bại. Cuối cùng, cô sinh viên năm 1 của Trường ĐH Quy Nhơn đã tử vong ở tuổi 19, chỉ sau 6 tháng phát bệnh. Các bác sĩ ở Viện Quân y 103 cho rằng, bệnh lý của Ph. tương tự như chứng ung thư xương đã di căn của Đặng Ngọc H. - 21 tuổi, ở thôn An Sơn 2 - tử vong năm 2012 vì ung thư xương di căn phổi.
Ngoài ra, ở Phước An còn ghi nhận nhiều ca bệnh nặng. Đoàn Thị Bích Khiêm, ở thôn An Sơn 2 là nạn nhân phơi nhiễm da cam điển hình, 19 tuổi nhưng chỉ nặng 24kg, cao chưa tới 1m. Cũng ở thôn An Sơn 2 có bé Đinh Thị Ngọc Lang, 1 tuổi, bị bại não và bệnh tim bẩm sinh nặng. Ở thôn An Sơn 1 có Nguyễn Văn Hòa, 12 tuổi, bị bệnh tan huyết giảm tiểu cầu; anh Đoàn Văn Sự, 30 tuổi, bị teo cơ liệt cứng tứ chi…
Theo ông Lê Hồng Đức, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phước An, trong số 285 người khuyết tật ở địa phương, có nhiều ca diễn biến phức tạp. Đặc biệt, có nhiều người tử vong do ung thư. Thực tế đó đòi hỏi phải có một cuộc kiểm tra bài bản, khoa học về sự ô nhiễm của vùng đất Phước An, để có hướng xử lý phù hợp.
TRANG XUÂN CHI