Ứng phó với nguy cơ sạt lở núi
Vào mùa bão lũ, người dân 2 huyện miền núi Vĩnh Thạnh và An Lão lại phấp phỏng nỗi lo về nguy cơ sạt lở núi gây chia cắt giao thông. Bởi vậy, trước mùa mưa lũ năm nay, vấn đề phòng tránh sạt lở các tuyến giao thông trọng yếu đã được 2 địa phương trên chú trọng.
Đợt mưa lũ năm 2013, huyện Vĩnh Thạnh đã xảy ra gần 20 điểm sạt lở núi, gây chia cắt và cô lập các bản làng trong nhiều ngày. Nặng nhất phải kể đến tuyến giao thông ven hồ Định Bình về 2 xã vùng cao Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn. Cùng thời điểm ấy, tuyến đường rừng lên thôn O2, xã Vĩnh Kim cũng bị đất, đá vùi lấp, khiến 44 hộ với gần 200 nhân khẩu nơi đây gần như bị cô lập với bên ngoài. Do địa hình hiểm trở, khó tiếp cận, việc khắc phục hậu quả diễn ra khá chậm, bị động, đời sống người dân lâm vào tình cảnh khó khăn.
Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ năm ngoái, năm nay, huyện Vĩnh Thạnh đã tiến hành rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng các điểm sạt lở, để có dự báo chính xác và kịp thời khi có sự cố xảy ra. Vừa qua, UBND huyện cùng với chính quyền 2 xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn, phối hợp với một số đơn vị xây dựng trên địa bàn đã tổ chức lực lượng, huy động phương tiện cơ giới (xe máy xúc, xe ben) tập trung gia cố, khắc phục các điểm nóng sạt lở trên tuyến tỉnh lộ 637, tuyến đường tránh ven hồ Định Bình và đèo Vĩnh Sơn. Đây là những khu vực có độ dốc cao nên chỉ cần vài cơn mưa lớn xảy ra, nguy cơ sạt lở núi, làm hư hỏng mặt đường, mái taluy đường, cầu cống và rãnh thoát nước là rất cao.
Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Chúng tôi thành lập các tổ, đội xung kích Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN) sẵn sàng ứng phó, bố trí phương tiện và nhân lực túc trực để xử lý sự cố; dự trữ sẵn sàng một số lương thực, thực phẩm thiết yếu, phương châm thực hiện dựa trên tinh thần tuyệt đối “không để người dân đói, rét”.
Năm nay, xã Vĩnh Kim cũng tích cực huy động người dân tham gia duy tu, sửa chữa, gia cố các đoạn đường. Ông Lê Công Chính, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, cho biết: Riêng tuyến đường dẫn về thôn O2, do địa hình trắc trở, đồi dốc, xã đã phân công lực lượng xung kích của bản tiến hành trồng cây, phân công túc trực cảnh giới khi mưa lũ kéo về để đảm bảo an toàn giao thông cho bà con.
Theo khảo sát, thống kê của Ban chỉ huy PCLB - TKCN huyện An Lão, huyện có gần 20 điểm dễ sạt lở mỗi khi xuất hiện mưa lớn. Nguy hiểm nhất vẫn là tuyến đường độc đạo từ xã An Hòa đi An Toàn. Năm 2013, tuyến đường này có 6 điểm sạt lở và đáng kể là điểm sạt lở tại Km 15 với khoảng 2.500 m3 đất, đá đã lấp kín hoàn toàn mặt đường. “Với phương châm “4 tại chỗ”, năm nay ngoài việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và xây lắp hệ thống rãnh thoát nước dọc, gia cố các mái taluy, xử lý các cầu, cống, ngầm tràn, huyện còn bố trí lực lượng và phương tiện, vật tư thường trực trên tất cả những đoạn xung yếu thường xuyên bị sạt lở để kịp thời xử lý. Đồng thời, tiến hành cắm bổ sung cọc tiêu, biển báo ở những vị trí xung yếu, nguy hiểm để cảnh báo người tham gia giao thông”, ông Nguyễn Trực, Chánh văn phòng UBND huyện An Lão cho biết.
Với đặc thù địa hình cách trở, mỗi mùa mưa đến, người dân miền núi phải chịu cảnh đi bộ dài ngày, tài sản xe máy hư hỏng dọc đường. Công tác chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở núi trở thành mối quan tâm hàng đầu của mỗi địa phương.
TRỌNG LỢI