Tìm lại đàn Vin-vút
Trong một thời gian dài, đàn Vin-vút - nhạc cụ truyền thống thuộc bộ vỗ, thường dành riêng cho phụ nữ H’re - vắng bóng ở huyện miền núi An Lão. Gần đây, nhờ tích cực tìm kiếm hạt nhân để bảo tồn, kế thừa, đàn Vin-vút đã trở lại với người H’re.
Tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi lần thứ XI - năm 2011 và XII - năm 2013, sự xuất hiện của Vin-vút gây ngạc nhiên, thích thú cho nhiều người. Đó là một nhạc cụ đơn giản trong cách làm, độc đáo trong cách chơi, âm thanh trầm bổng rất hay và đặc biệt, thể hiện được tài nghệ khéo léo và tâm hồn nghệ sĩ của người phụ nữ dân tộc thiểu số. Ít ai biết rằng, Vin-vút của người H’re An Lão mang trong mình câu chuyện về nỗ lực chặn đứng sự mai một, thất truyền của cán bộ ngành văn hóa địa phương cũng như ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của một bộ phận đồng bào H’re.
Tại Ngày hội VH-TT xã An Hưng năm 2011, các cán bộ của Trung tâm VH-TT-TT huyện An Lão vui mừng phát hiện hai cụ bà tuổi xấp xỉ 80 là Đinh Thị Rới và Đinh Thị Rẻ (cùng ở thôn 1) biết vỗ Vin-vút. Không bỏ lỡ cơ hội giới thiệu một nhạc cụ “lạ”, Trung tâm căn dặn 2 cụ tiếp tục phối hợp luyện tập với nhau thật hay để tham gia biểu diễn tại Ngày hội VH-TT miền núi cấp tỉnh sau đó.
Theo kế hoạch, song tấu đàn Vin-vút của 2 nghệ nhân cao tuổi này sẽ là tiết mục “đinh” của đoàn An Lão. Không may, gần đến ngày khai mạc, một cụ đổ bệnh, trong khi Vin-vút phải có 2 người mới trình diễn được. Để đảm bảo chương trình, Trung tâm gấp rút tìm người mới và nhờ dạy cấp tốc để thay thế. Hai phụ nữ trẻ có năng khiếu trong xã là Đinh Thị Co và Đinh Thị Na bắt đầu học Vin-vút và tiến bộ khá nhanh. Tuy vậy, khi “ra mắt” tại Ngày hội cấp tỉnh sau đó, Vin-vút mới chỉ được diễn tấu chung trong tiết mục hòa tấu nhạc cụ chứ không biểu diễn riêng như dự định ban đầu.
“Từ đó trở đi, tại các Ngày hội VH-TT cấp cơ sở, đặc biệt là Liên hoan cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc và hát dân ca huyện An Lão lần thứ I - năm 2012, chúng tôi khuyến khích các nghệ nhân tìm tòi, phục chế và sử dụng những loại nhạc cụ truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền như Vin-vút”, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện An Lão Vũ Thị Kim Thanh cho biết.
Và tại Liên hoan này, không chỉ nơi “khởi phát” An Hưng mà những phụ nữ H’re xã An Dũng cũng đã cùng nhau cộng hưởng, tạo nên những bản Vin-vút trầm bổng, khó quên. Gần đây nhất, Ngày hội VH-TT miền núi cấp tỉnh lần thứ XII vừa qua, Vin-vút của người H’re An Lão lại có thêm những gương mặt mới thể hiện như Đinh Thị Hum, Đinh Thị Eo…
Cùng với chiêng 3, chiêng 5, Vin-vút là nhạc cụ rất đặc trưng của người H’re. Từ câu chuyện nhỏ này của Vin-vút, có thể thấy, có không ít loại hình văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đứng trước nguy cơ mai một; nếu không có sự tìm tòi, phát hiện, khơi dậy, tích cực bảo tồn thì rất dễ rơi vào mất mát, thất truyền. Ý thức bảo tồn và sự phối hợp hiệu quả giữa ngành văn hóa An Lão và cộng đồng dân tộc H’re sống trên địa bàn huyện thể hiện ở việc làm hồi sinh đàn vỗ Vin-vút rất đáng được ghi nhận.
KHẢI THƯ