Hướng về trẻ thiệt thòi
Chỉ trong một thời gian ngắn, đề án và kế hoạch chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh đã được ban hành, hướng công tác bảo vệ - chăm sóc trẻ em thiệt thòi vào những hoạt động thiết thực, ý nghĩa. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Phan Như Hải, Quyền Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, về vấn đề này.
Ông Phan Như Hải cho biết, ngày 18.6, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014-2020. Đến ngày 18.9, UBND tỉnh ban hành tiếp Kế hoạch Hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tỉnh Bình Định giai đoạn 2014-2020.
Trẻ em Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn biểu diễn văn nghệ trong ngày khánh thành Làng (16.2.2012).
Các kế hoạch này đặt ra những mục tiêu cụ thể: 85% (giai đoạn 2014-2015) và 100% (giai đoạn 2016-2020) trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận sự trợ giúp và được cung cấp dịch vụ xã hội phù hợp. Đến năm 2020, có 90% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định. Phấn đấu 90% cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em HIV được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đặc biệt, 100% trường học tạo cơ hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu.
* Để đạt các mục tiêu đó, công tác bảo vệ, chăm sóc các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này sẽ tập trung vào những hoạt động cụ thể nào, thưa ông?
- Đầu tiên, phải đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm sóc và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng. Để có cơ sở cho việc lập kế hoạch thực hiện ở các cấp, công tác khảo sát, rà soát, thu thập thông tin, phân loại, lập hồ sơ trích ngang đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sống ở cộng đồng và trong các cơ sở bảo trợ xã hội sẽ được chú trọng. Bước tiếp theo là xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin bảo trợ xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Hiện nay trên toàn tỉnh có 8.508 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chiếm 2,26% tổng số trẻ em. Trong đó, có 5.419 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không người nuôi dưỡng; 2.915 trẻ em khuyết tật nặng; 71 trẻ bị nhiễm chất độc hóa học; 7 em bị nhiễm HIV/AIDS và một số em có hoàn cảnh khó khăn khác.
Trọng tâm các hoạt động còn hướng đến thực hiện chính sách trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng, giáo dục kết hợp với vận động cộng đồng hỗ trợ và chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội để đủ điều kiện chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng mô hình ngôi nhà tạm lánh để tiếp nhận, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa tại địa phương. Đặc biệt, sẽ thí điểm và nhân rộng mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm và một số mô hình trợ giúp khác.
* Trong quá trình thực hiện các kế hoạch chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bên cạnh sự vào cuộc chủ động và quyết liệt của các sở, ban, ngành, vai trò của các địa phương cũng rất quan trọng…
- Đúng vậy, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức rà soát, cập nhật thường xuyên biến động thông tin về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để quản lý và hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, cần cân đối, bố trí ngân sách và tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch tại địa phương; chủ động lồng ghép việc thực hiện các kế hoạch này với các chương trình khác có liên quan trên địa bàn.
Thêm vào đó, phải thực hiện các chính sách, chế độ trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, học nghề, giải quyết việc làm, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thí điểm xây dựng mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng là hoạt động ý nghĩa nhưng không dễ thực hiện, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn của chính quyền địa phương.
* Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)