“Chợt một chiều tóc trắng”
1.
Thật ít lần tôi thấy cha ngồi yên lặng. Tôi ít tâm sự với ông vì người có công việc bận rộn, về nhà rất khuya. Khoảng thời gian ấu thơ, trò chơi trẻ con cùng việc học tập làm tôi ít để tâm đến công việc của cha mẹ. Đó là chuyện của người lớn, mẹ vẫn thường bảo tôi như vậy. Rồi khi lớn lên một chút, đặc biệt là khi bước qua tuổi hai mươi, tôi mới bắt đầu nghĩ về mẹ cha và những năm tháng còn lại của cuộc đời. Đó là một suy nghĩ, nhưng suy nghĩ cũng vội vàng bị phủ bụi vì tuổi hai mươi còn đẹp quá và tôi còn nhiều bận rộn cho riêng mình. Cho đến một hôm, tôi thấy cha cùng màn đêm và điếu thuốc đang cháy dở như muốn tâm sự điều gì đó, tôi thầm nghĩ, tóc cha đâu đã bạc…
2.
Rồi tôi biết, cha đã gần về hưu. Đó là một điều bình thường, người ta vẫn về hưu khi đã đủ tuổi công tác. Cha sẽ chẳng còn bận tâm nhiều vào công việc để có thời gian nghỉ ngơi lúc về già. Cha có thể làm vườn, có thể nuôi gà, có thời gian nhâm nhi tách trà cùng những người bạn… Nhưng, đó có phải là điều làm cha âu lo hay một chút tiếc nuối? Trong những năm dài gắn bó, công việc là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của ông; bận rộn, đó cũng là một thói quen. Tôi đã từng nghe qua bao nhiêu câu chuyện, một người Thầy đứng lớp đã lâu năm, khi rời phấn trắng bảng đen, lần cuối đứng trước những cậu học trò thân thương, lòng Thầy lặng đi, mắt rưng rưng nỗi niềm khó tả.
Có hôm ngồi ăn cơm, mẹ bắt đầu những câu hỏi vừa lạ vừa quen, không biết những ngày về hưu của cha rồi sẽ ra sao, và không cần hỏi thêm tôi cũng biết ngay, mẹ đang “mông lung” về “tháng ngày sắp tới”. Chuyện tuổi già, chuyện con cái có ở gần với mình hay không… bỗng nhiên thành một nỗi lo, một băn khoăn thật sự. Phải chăng hình ảnh của một bà cụ lớn tuổi gần nhà ngày ngày một mình tụng kinh đọc sách sau khi chồng mất càng làm tăng thêm “nỗi ám ảnh” về thời gian, về một sự mất mát vô hình?
3.
Tôi có biết một cuốn sách - “Mơ những giấc mơ mới - hình dung cuộc đời sau mất mát” của Jai Pausch. Cuốn sách nói về người vợ và những đứa con đã phải sống như thế nào khi người chồng ra đi, trong khi người vợ cũng đang bước gần đến tuổi già. Họ đã rất mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau và sống một cuộc đời mới, một cuộc đời sau khi trải qua sự mất mát, thiếu vắng điều vô cùng thân thuộc. Vậy mới thấy, điều quan trọng là ta cảm nhận về nó như thế nào, cảm nhận về hành trình vượt qua sự mất mát và từ bỏ những điều quen thuộc, để bắt đầu “những giấc mơ mới”. Rồi cha mẹ sẽ quen với việc về hưu, quen với việc cảm nhận một “cuộc sống mới”, và chúng con cũng sẽ cảm thông, hiểu cho lòng cha mẹ, vì biết có một chiều nào đó mẹ cha sẽ cảm thấy mình cô đơn quá đỗi khi “chợt một chiều tóc trắng như vôi…”!
MẪU ĐƠN