Nên tích cực ngăn chặn việc người dân “tự xử”
Những ngày gần đây, dư luận tại tỉnh ta bàn tán xôn xao việc nhóm thanh niên ở huyện Phù Cát và Phù Mỹ - trong đó có người là công an viên - tìm cách chặn đường, bắt giữ, đánh đập ông Nguyễn Đình Tấn Sỹ (trú TP Quy Nhơn) trọng thương, dẫn đến tử vong vì nghi ngờ ông này thực hiện hành vi bắt trộm chó.
Trước hết, cần khẳng định, việc tự ý bắt giữ người của nhóm thanh niên là hành động phạm pháp; càng đáng lên án hơn khi các đối tượng còn có hành vi bắt người đòi tiền chuộc. Thế nhưng, nói đi thì cũng nói lại, việc gì cũng có nguyên nhân của nó; vụ việc xảy ra đối với ông Sỹ cũng không phải là vô cớ mà sinh ra.
Có thể thấy, không riêng gì người dân ở tỉnh ta, mà rất nhiều người dân trong cả nước rất bức xúc, căm phẫn trước vấn nạn trộm chó lộng hành trong những năm gần đây. Thỉnh thoảng, qua các phương tiện truyền thông, chúng ta biết được ở một địa phương nào đó, người dân phát hiện, bắt giữ, đánh đập trọng thương các đối tượng bắt trộm chó; thậm chí có trường hợp người bắt trộm chó bị đánh tử vong. Hay các đối tượng bắt trộm chó khi bị truy đuổi đã hung hăng ra tay tấn công ngược lại người dân dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng. Sự việc thì nghiêm trọng nhưng kết quả xử lý thì không tương xứng, không đủ răn đe nên nạn trộm cắp, cướp chó càng ngày càng khiến người dân tức giận.
Trở lại việc nhóm thanh niên bắt giữ, đánh đập ông Sỹ, theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, thì: Trước khi xảy ra vụ việc nghiêm trọng này vài ngày, người dân ở xã Mỹ Hiệp đã “đụng độ” với những kẻ bắt trộm chó; quá trình đuổi bắt, các đối tượng bắt trộm chó đã đập phá, làm hư hỏng 2 chiếc xe máy của người dân địa phương. Quá bức xúc, nhóm thanh niên ở Phù Cát và Phù Mỹ bàn cách mai phục, bắt các đối tượng trộm chó để trút giận; và nạn nhân xấu số là ông Nguyễn Đình Tấn Sỹ.
Ở đây không bàn đến việc làm bộc phát trái pháp luật của nhóm thanh niên, chỉ đề cập đến bức xúc của người dân trước vấn nạn trộm chó lộng hành. Nhắc đến 2 tiếng “trộm chó” thì hầu như người nào cũng có thái độ bực tức, muốn pháp luật trừng trị thật nghiêm các đối tượng thực hiện hành vi trộm chó. Vậy nhưng, như một đại diện Công an huyện Phù Mỹ đề cập: “… Người dân rất bức xúc trước nạn trộm chó, nhưng quy định của pháp luật xử lý hình sự về loại tội này lại nhẹ, bởi chỉ căn cứ vào giá trị vật chất của con chó theo kiểu cân ra ký rồi tính tiền, chứ không tính đến việc đối với người dân, con chó giữ nhà có ý nghĩ rất lớn về mặt tinh thần…”. Đây chính là thực tế, “kẽ hở” luật pháp trong việc trừng trị các đối tượng trộm chó khiến người dân rất bức xúc.
Và, một khi luật pháp chưa thể trị nghiêm minh các đối tượng bắt trộm chó, thì người dân tự cho phép mình đối phó với bọn trộm. Hệ quả là, những người dân lương thiện, vì quá bức xúc trước vấn nạn bắt trộm chó mà có những hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, để tinh thần “thượng tôn pháp luật” thực hiện một cách nghiêm minh, các cơ quan chức năng cần đưa ra chế tài xử lý thật nghiêm, thật nặng đối với hành vi “trộm chó” và đối tượng thực hiện hành vi này. Bởi nếu không có biện pháp trừng phạt nghiêm minh, việc người dân “tự xử” các đối tượng trộm chó là điều khó tránh khỏi và sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.
M.NHÂN