Văn hóa hát karaoke
Đời sống khấm khá, những năm gần đây, nhiều gia đình ở nông thôn đã sắm dàn máy karaoke. Những lúc rảnh rỗi, các thành viên trong gia đình có thể tham gia giải trí tùy theo sở thích và lứa tuổi. Việc tổ chức hát karaoke tại nhà có những ý nghĩa nhất định, như tạo thêm tình cảm gắn bó giữa các thành viên, giải trí khi điều kiện thời tiết không thuận lợi để ra ngoài và tiết kiệm so với hát tại một quán karaoke dịch vụ. Tất nhiên, khi hát karaoke tại nhà đòi hỏi người hát phải tuân theo những chuẩn mực văn hóa: không gây tiếng ồn cho những nhà xung quanh, chọn bài hát, hình ảnh không phản cảm. Đặc biệt, phải tránh làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi, cần yên tĩnh của người lớn tuổi và học tập của trẻ em…
Thế nhưng, điều đáng tiếc là hiện nay nhiều người hát karaoke tại nhà đã không chú ý đến những yêu cầu tối thiểu này. Nhiều gia đình hát karaoke không kể giờ giấc; có khi tới tận đêm khuya hoặc “thâu đêm suốt sáng”; có người hát như hét, gây ồn ào cả xóm.
Từ khi các hộ gia đình ở phía sau bờ rào nhà tôi như gia đình thím Ba Hạnh, chú Sáu Đua, anh Năm Bích sắm dàn máy karaoke, thì tiếng hát liên tục cất lên hành hạ mọi thành viên trong gia đình tôi, nhất là ba tôi đang ở tuổi 80, rất cần sự yên tĩnh. Ba tôi than phiền: Tụi nó hát cả ngày lẫn đêm, có đêm tao muốn chợp mắt một chút mà cũng không được...
Để việc hát karaoke gia đình trở thành một hoạt động văn hóa, đòi hỏi mỗi người khi hát không được làm phiền người khác, đặc biệt là hàng xóm. Bên cạnh đó, Ban nhân dân thôn, nhất là các hội đoàn thể cần có tiếng nói can thiệp để giữ gìn sự bình yên cho làng xóm.
XUÂN LỘC