Một câu chuyện buồn!
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm này, diện tích vùng nguyên liệu mía trên địa bàn Bình Định của Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) chỉ còn chưa tới 1.700ha, giảm tới hơn 1.100ha so với cách đây một năm. Có thể nói đây là sự sút giảm nghiêm trọng đối với lĩnh vực sản xuất mía đường ở Bình Định. Sự sụt giảm mạnh này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung ứng nguyên liệu cho hoạt động của nhà máy chế biến đường mà còn có thể phá vỡ quy hoạch sản xuất của địa phương, đồng thời khiến cho cả đời sống và sản xuất của nông dân trồng mía cũng bị xáo trộn.
Được biết, trong năm qua do khó khăn về tài chính nên BISUCO đã không thực hiện được chính sách hỗ trợ nông dân trồng mía trong vùng nguyên liệu mà công ty đã công bố trước đó. Thậm chí, tình hình tài chính còn khó khăn tới mức có thời điểm công ty không có tiền vốn lưu động để mua nguyên liệu, phải nợ tiền mua mía khá lâu và sau nhiều nỗ lực thì mới trả được khoản nợ vài chục tỉ cho nông dân. Khi hiệu quả kinh tế của cây mía không cao, lợi ích của người trồng mía không được bảo đảm thì việc nông dân “buông tay” với cây mía, bỏ mía chuyển sang cây trồng khác nhằm đảm bảo đời sống cho nông dân là điều tất yếu. Đây chính là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp làm cho diện tích mía trên địa bàn giảm mạnh như đã nêu.
Trong gần 20 năm hoạt động, BISUCO đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Đã từng có thời điểm nhà máy đói nguyên liệu phải tranh mua khắp nơi để có thể duy trì công suất hoạt động. Đã từng có thời điểm người trồng mía trong vùng nguyên liệu bị ép giá mua thấp đến mức đành bỏ mặc ngồi nhìn cây mía chết đứng giữa đồng. Tuy nhiên, chưa bao giờ và chưa khi nào công ty này lại lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Hiện nay, ngay trước thềm niên vụ ép mới sắp sửa bắt đầu, BISUCO vẫn đang tiếp tục tình cảnh vô cùng khó khăn về tài chính, nhất là nguồn vốn cho hoạt động. Đây là một chỉ báo không mấy sáng sủa không chỉ cho hoạt động của nhà máy trong vụ ép này mà còn tác động lớn đến việc duy trì diện tích vùng nguyên liệu trong thời gian tới.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 diện tích vùng nguyên liệu mía thâm canh của Bình Định là 6.000ha, còn vùng nguyên liệu từng được quy hoạch theo quy mô của nhà máy thì lên đến 16.000ha. So sánh các con số quy hoạch với diện tích vùng nguyên liệu hiện còn chưa tới 1.700ha cho thấy tương lai không mấy sáng sủa đối với vùng nguyên liệu mía của nhà máy này. Với diện tích ít ỏi hiện có và dự báo còn tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới, có thể nói mục tiêu quy hoạch nói trên rất khó thực hiện. Một khi nhà máy không có nguyên liệu thì lấy gì để hoạt động?
Câu chuyện của BISUCO hiện thời quả là một câu chuyện buồn, không chỉ của doanh nghiệp này mà còn của cả ngành sản xuất mía đường ở Bình Định, có ý nghĩa như một sự cảnh báo về sự thiếu bền vững trong sản xuất ở nước ta hiện nay.
HẢI ĐĂNG