Dỗ lòng cùng con nước
* Truyện ngắn của Phan Thị Tần
Tôi vẫn thường nói đùa với Búp cái tên của em là “hàng hiệu”, bởi khó có thể trùng với bất cứ tên ai. Em nhíu mày: “Tường có giỏi thì vá phụ mấy tấm lưới cho người ta coi bộ hay hơn”. Quả thật thì tôi chẳng hề có khái niệm gì về công việc vá lưới cho tới khi tôi gặp Búp. Bởi điều đơn giản là nhà em có hai con tàu đi biển. Em chẳng hề biết đi biển là gì, nhưng mẹ em đã truyền cho em một nghề mà không người phụ nữ nào ở làng biển không biết: Vá lưới. Tôi bảo với Búp là em cho tôi học vá lưới để tôi gánh bớt công việc cho em. Bởi em làm một phép tính đơn giản với tôi là một tấm lưới nếu thuê người ta vá cũng mất 40 ngàn, cả chục tấm lưới cũng tốn cả 400 ngàn. Thế là em ở nhà vá lưới. Ngoại trừ buổi tối em đi học ở trường Cao đẳng, còn cả ngày em trải lưới ra trên nền xi măng trước nhà mà chăm chỉ nối từng chiếc ô mắt cáo màu nước biển.
Búp có đôi mắt rất đẹp, đôi mắt có tới bốn mí. Tôi hãnh diện khi chính mình phát hiện ra điều đó trong khi cả 27 năm em sinh ra đời, chẳng có bất cứ một ai đếm được trên mắt của em có bao nhiêu mí. Tánh tình Búp rất “mềm”. Đó cũng là cách nói của tôi. Bởi tôi chưa bao giờ thấy em giận ai bao giờ. Một mình em tự lo mọi chuyện gia đình giống như là con trai, em có thể ngồi hàng giờ nơi phòng khách của xã để ông Chủ tịch xã đi đâu về ký cho em tờ giấy chứng nhận hộ khẩu thường trú. Không phải em không biết giữa thời buổi này đôi lúc phải mang theo gói thuốc mời khách để cho công việc của mình dễ dàng. Nhưng em nói với tôi rằng em tin vào cuộc sống, em không biết phải làm những điều đó.
Búp đã tạo cho tôi một thói quen thật kỳ lạ đó là thói quen phải nhìn thấy em mỗi ngày. Điều đó tôi không thể nào giải thích được. Mỗi mùa thuyền đi biển về, em ngồi thả những tấm lưới có màu xanh nước biển mà tỉ mỉ vá lại những chỗ rách. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng khi nhìn em đưa con thoi nhỏ xen vào tấm lưới hoặc dùng đầu ngọn nhang đang cháy cắt những sợi chỉ thừa ra, tôi nhìn thấy ở nơi em một điều gì đó về sự kiên trì. Chúng tôi quen nhau ròng rã đã 6 năm trời. Cũng sáu năm trời trong những cơn mưa mùa như trút tôi lại tìm tới nhà em. Ngôi nhà xây theo kiểu một chái với bộ bàn ghế tiếp khách bằng gỗ. Phía trước mặt là dòng sông tấp nập thuyền bè qua lại. Tôi vui, tôi kể cho em nghe công chuyện ở cơ quan. Tôi buồn, tôi nói những gì mình giấu kín trong lòng, còn em thì kiên nhẫn lắng nghe. Khi tôi nói hết, em rót cho tôi một ly nước, nói: “Nghĩ cũng hay Tường há. Anh nói hết mọi chuyện cho em nghe, bây giờ em buồn thiu đây nè”. Em buồn thật. Đôi mắt của Búp như đang giăng đầy những sợi tơ trời. Búp nhìn tôi, rồi lại nói: “Thôi Tường về đi, để Búp còn phải đan lưới”. Tôi cười phì: “Cám ơn nửa tiếng đồng hồ ngồi nghe anh nói chuyện”. Búp chẳng bao giờ đưa tôi ra ngõ. Em cũng chẳng bao giờ ngước mắt nhìn tôi trở đầu xe trở về. Nhưng tôi biết em lại ngồi lặng lẽ đan những tấm lưới bị rách. Thế rồi tôi quyết định đi học nghề vá lưới. Bà thầy dạy tôi đan lưới rất ngạc nhiên, bà nói: “Đan một tấm lưới cảng nếu là thợ giỏi cũng mất một ngày, đó là lưới rách ít, tiền công ăn người ta 40 ngàn cũng gãy lưng mỏi cổ. Bộ cậu không có nghề gì để làm sao? Đạp xích lô đôi khi còn nhiều tiền hơn. Nghề này là nghề của đàn bà, nghề để vá lưới trong gia đình”. Tôi pha trò với bà: “Tại em sắp lấy vợ làm nghề biển. Phải biết vá lưới phụ cho vợ chứ”. Bà thầy hứ một tiếng: “Nghề biển là nghề đâm hà bá, cực lắm. Lấy vợ xong thì cho đi học làm cô giáo hay làm móng tay móng chân, uốn tóc gì đó chớ ai bắt vợ mình ôm mấy tấm lưới vá bao giờ”. Tôi học ròng rã một tuần lễ, từ cách cầm con thoi cho đến cách gút những ô chỉ sao cho nhuần, sau đó tôi tới nhà Búp. Búp rất ngạc nhiên khi tôi đã ngồi vào chỗ của em vá tấm lưới em đang làm dở dang. Khi đó em lắc đầu: “Nếu ai được anh yêu chắc người đó có phước dữ lắm”. Tôi muốn nói với Búp rằng tôi chỉ yêu một người là Búp, nhưng lạ kỳ cho tôi chưa, ngay cả một bàn tay nắm tôi cũng e dè, dù rằng trong tôi luôn mơ được dạo chơi với em trên con đường rộng thênh thang trên biển như bao lứa đôi vẫn thường dạo chơi như thế.
Tôi không hiểu tại sao người ta có thể dùng những sợi cước mềm không phải là màu xanh để làm lưới, trong khi tôi chỉ thích những tấm lưới màu xanh. Có thể vì thế mà trong cuộc đời có khi ta khờ khạo không dám ngỏ một lời tình để tình yêu thầm kín của mình vuột qua kẻ tay. Hôm đó, Búp rủ tôi đi xem bói. Tôi nào có tin gì vào bói toán, nhưng tôi biết trong mắt em đã có bóng hình một người khác. Em và tôi đi loanh quanh qua những con hẻm nhỏ, cuối cùng tới một căn nhà nằm gần một tán cây cổ thụ. Em thắp nhang khấn vái rất trang trọng. Bà thầy cũng trang trọng khi xốc bài cho em. Còn tôi thì hờ hững nhìn con đường nhỏ. Tôi nghe em nói tuổi của một người con trai. Bà thầy nói thật buồn cười: “Hai tuổi này khắc nhau. Nếu lấy nhau đi ngõ trước thì trong vòng ba tháng cũng chia tay. Nhưng nếu cô nghe lời tôi khi đám cưới cô dâu đi ngõ sau thì gia đình sau này hạnh phúc”. Tôi nghe em hỏi: “Nhưng hai đứa em cãi nhau hoài à, có sao không?”. Bà thầy trả lời: “Tánh cô không thích nhờ vả ai, nếu lấy tuổi Thìn thì hợp, nhưng nếu tuổi con heo thì cãi nhau là lẽ thường. Cô nên hạ hỏa bớt đi nếu không muốn gia đình lộn xộn sau này”. Tôi chở em về mà tự nhiên lòng tôi buồn bã, tôi chẳng nhìn thấy những cây bông giấy ven đường đã rực rỡ màu hoa đỏ rất đỗi vô tình sau mùa hè đầy nắng, cho đến khi Búp lên tiếng: “Hai đứa mình đi ăn cơm chay đi. Tháng này tháng bảy, tháng ăn chay đó”, rồi Búp cười trong gió: “Đâu có ông tuổi Thìn nào chịu lấy em đâu”.
* * *
Giờ đây, tôi bỗng quen nhìn tiết trời khi mùa mưa bắt đầu kéo về. Tôi biết đó là lúc những con thuyền tạm ngừng chuyến hải hành của mình ở ngoài khơi xa, trở về bến bãi vá lại những tấm lưới đã bao nhiêu lần thả xuống biển ngăn chặn đường đi của bao nhiêu đàn cá. Nơi ngôi nhà cạnh dòng sông kia, Búp thương yêu của tôi lại bắt đầu thả những sợi chỉ làm lành những tấm lưới màu xanh nước biển. Có khi trời giông gió, thời tiết như chẳng chịu lòng người, cứ nhỏ từng hạt mưa ngăn trở lối đi. Nhưng chẳng cần Búp gọi, dẫu từ nhà tôi đến nhà Búp gần bốn cây số, tôi vẫn tới để phụ em đan lành những tấm lưới màu xanh kia. Tôi cảm thấy như lòng mình thật bình an. Nhà Búp không uống trà, nhưng thói quen uống trà của tôi khiến em chế sẵn bình trà đợi khách. Có khi tôi nói với Búp: “Tại sao mình không là vợ chồng, Búp nhỉ?”. Búp ngưng tay, nói: “Tường nhớ hôm đi coi bói không? Bà thầy bói nói tuổi Thìn hợp với Búp. Nhưng tôi đợi mãi ông có ngỏ lời đâu. Tôi là con gái mà. Rồi Búp nhìn tôi: “Ông già rồi đó. Lấy vợ đi”.
Thôi hãy là tri kỷ của nhau, để có thể rộng lòng kể cho nhau nghe những chuyện đất trời phải không Búp? Tôi lỗi hẹn cùng em hay là trời bảo rằng hai người có thể cảm thông được nỗi đau cho nhau không nhất thiết là phải trở thành chồng vợ. Bởi đời sống vợ chồng đôi khi là áo cơm, là phụ bạc và còn là hoài nghi nếu một người nào đó chợt chông chênh. Còn tri kỷ sẽ là mãi mãi. Tôi dỗ lòng tôi cùng con nước sông đang trôi ra biển. Tôi biết rằng những tấm lưới xanh kia có tới hai bàn tay vá lại để chúng lại theo những con thuyền, trầm sâu dưới lòng biển cả. Đó là mãi mãi. Nhưng tôi biết là Búp đã là một phần của tôi như những con thuyền chẳng thể nào thiếu những tấm lưới để ra khơi.
P.T.T