Võ sư Đoàn Quý: Một đời tâm huyết với nghề
Trải qua gần “60 năm cuộc đời”, võ sư Đoàn Quý (sinh năm 1957) vẫn giữ được niềm đam mê đối với võ thuật. Ông từng đào tạo nên nhiều võ sĩ tên tuổi ở đấu trường quốc gia, và hiện giờ vẫn tiếp tục truyền đạt nhiều kiến thức bổ ích về võ thuật cho các học trò.
Học võ từ năm 12 tuổi, cậu bé Đoàn Quý (ở thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An, huyện Tuy Phước) đã may mắn được thọ giáo nhiều võ sư nổi tiếng thời đó như: Kim Bửu, Nguyễn Thành Công và thầy Nguyễn Lê Thanh chính là người đã đưa ông lên đỉnh cao. Xuất phát từ niềm đam mê võ thuật từ nhỏ, nhà nghèo lại đông anh chị em, nên ngoài việc theo thầy học, phần lớn thời gian Đoàn Quý cùng người em trai Đoàn Long (cũng có tên tuổi trong nền võ học lúc bấy giờ) tự tìm tòi sách vở, mày mò học hỏi, tập luyện là chính.
Trước năm 1975, Đoàn Quý được cấp giấy chứng nhận võ sĩ và tham gia thi đấu ở nhiều nơi từ Quảng Ngãi đến Sài Gòn, Tây Nguyên. Năm 1982, ông bắt đầu mở lò dạy võ cho vài chục võ sinh độ tuổi từ 12-20 ở cả võ tự do và quyền Anh. Chỉ một năm sau, lò võ của ông chính thức trở thành thành viên Liên đoàn võ thuật Nghĩa Bình (cũ) và mang tên Võ đường Đoàn Quý với những võ sĩ xuất sắc thời đó về môn võ quyền Anh như: Phan Văn Vinh, Ngô Việt Hùng… từng đoạt giải HCV, HCB toàn quốc vào các năm 1983- 1984. Từ đó, võ đường luôn duy trì hoạt động trên dưới 30 võ sinh/khóa học.
Trong số hàng trăm võ sinh trở thành võ sĩ thực thụ của võ đường Đoàn Quý không thể không nhắc tới Lê Văn Bảy, hiện là Chủ tịch Hội võ thuật Đắk Lắk. Gần đây, võ đường Đoàn Quý có võ sĩ Trần Minh Chen tham gia thi đấu đạt thành tích cao ở giải vô địch tỉnh, với việc giành được HCV nội dung đối kháng môn võ cổ truyền (năm 2012) và HCB môn quyền Anh (năm 2013). Võ sĩ Trần Minh Chen, ở xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, chia sẻ: “Tôi theo học thầy Đoàn Quý đến nay đã được 5 năm. Thầy vừa dạy võ vừa dạy đạo làm người. Học võ trước hết là để rèn luyện sức khỏe, nâng cao trí lực, sau đó là để tự vệ và giúp đỡ kẻ yếu. Có thể nói, thầy chính là người cha thứ hai, có công dìu dắt, che chở và “ truyền lửa” cho tôi đến với võ học, thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình, được góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển phong trào võ thuật huyện nhà ”.
Nhờ sự tận tâm tận lực cùng với tài năng huấn luyện của mình, ông Đoàn Quý đã được Hội võ thuật tỉnh Bình Định cấp bằng Võ sư từ năm ông vừa 40 tuổi. Theo võ sư Đoàn Quý, người học võ muốn thành danh cần hội đủ các yêu cầu về tư cách đạo đức, tầm vóc thể lực và khả năng tiếp thu. Tại võ đường hiện nay, ngoài số võ sinh là thanh thiếu niên ở địa phương còn có 5 võ sinh là sĩ quan quân đội tại ngũ đang theo học. Điểm chung của họ là yêu thích võ thuật và cảm phục tài năng của võ sư Đoàn Quý đã tự tìm đến học nhằm nâng cao sức khỏe, rèn kỹ năng nhạy bén để phục vụ tốt hơn trong quân ngũ.
Ông Đặng Hiếu Hân, Phó giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, Chủ tịch Hội võ thuật huyện, nhận xét về vai trò, vị trí của lò võ Đoàn Quý và cá nhân võ sư trong sự phát triển phong trào võ thuật huyện nhà: “Mặc dù trải qua bao bước thăng trầm, bao biến cố lịch sử, phong trào võ thuật Tuy Phước vẫn cố gắng trụ vững và phát triển. Đó là nhờ sự đóng góp của những võ sư tâm huyết như ông Đoàn Quý. Từ những lò võ này đã ươm mầm những tài năng võ thuật đầy triển vọng và nhiệt huyết. Tuy nhiên, để phong trào võ thuật phát triển mạnh hơn nữa thì cần lắm sự chung tay góp sức, quan tâm hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất để các lò võ này tiếp tục duy trì; góp phần bảo tồn môn thể thao truyền thống, nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc”.
ĐÀO BÙI KIM CƯƠNG
Nội dung bài viết khá hay,đối với những võ sư có lòng tâm huyết với nghề như vậy .Chúng ta cần ủng hộ và học tập rất nhiều , hơn thế nữa chúng ta hãy tiếp nối những tinh hoa võ thuật mà ông cha đã và đang truyền lại.Tuy nhiên chúng ta cần giải quyết 1 cách nhanh chóng, trong khi trong vòng thi đối kháng tại Bình Định vừa qua có võ sĩ TRẦN MINH CHEN đã đối kháng thắng nhưng lại bị chấm thua.Như sự viêc trên làm sao hạt giống tốt có thể nẩy mầm được.