Lính “nông thôn mới”
Giữa không khí hừng hực của phong trào xây dựng nông thôn mới, những người lính Cụ Hồ không đứng ngoài cuộc. Tạm gác tay súng, các anh về với dân, sát cánh cùng bà con trong từng bước đường hiện đại hóa nông thôn. Từ đó, nghĩa tình quân dân càng thêm bền chắc.
Chương trình “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” được thực hiện từ đầu tháng 5.2014 tại xã Cát Tài (huyện Phù Cát). 4 tháng sau, chương trình khởi động ở xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ).
Gác tay súng, vững tay bay
Sáng 3.10, cùng các đồng đội, hai binh nhất Nguyễn Văn Hữu (20 tuổi, ở xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ) và Nguyễn Hữu Thắng (19 tuổi, ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) có mặt ở nhà ông Phạm Thanh Tân (xóm 5, thôn Phú Thiện, xã Mỹ Hòa) để tiếp tục phần việc dang dở từ hôm qua. Hữu và Thắng thuộc biên chế của tốp thợ chuyên xây dựng nhà vệ sinh cho các gia đình chính sách. Cái nắng giữa Thu vẫn chói gắt. Những tấm sắt lớn bày ra giữa sân. Hai chàng trai trẻ hì hụi dựng từng tấm lên, uốn cong, khâu chúng lại bằng những cọng thép nhỏ. Hữu nửa ngồi nửa đứng lọt thỏm trong khoanh sắt, Thắng đứng bên ngoài, hai anh tỉ mẩn, chính xác trong từng lỗ khâu.
Xong khoanh sắt đầu tiên, Hữu và Thắng cùng khiêng đi, đặt xuống hố đã đào sẵn từ trước đó. Rồi, tiếp tục bắt tay với tấm sắt thứ hai. Lúc này, mồ hôi đã ướt mặt Hữu. Chàng trai mới nhập ngũ tháng 2 năm nay bẽn lẽn nói: “Hồi giờ có đụng đến mấy việc này đâu anh. Tháng 5 rồi, tụi em tham gia các hoạt động ở Cát Tài, được mấy anh lớn cầm tay chỉ bảo, cứ thế mà làm. Giờ thì đứa nào cũng thành thạo từng công đoạn, nên cũng chẳng thấy khó khăn gì nữa”.
Cách đó không xa, một tốp “thợ” khác cũng đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng của công trình đặc biệt - chuồng bò của ông Trương Đức Cừ, ở xóm 4. Mái lợp ngói, khung là các cột gỗ chắc chắn. Chỉ còn phần nền đang tráng xi-măng. Nếu không có bộ quân phục, chẳng ai dám nghĩ thiếu úy Trần Thanh Hòa (nhân viên quân lực của Thành đội Quy Nhơn) không phải là anh thợ cả lành nghề. Bởi, tay bay tay thước của anh vừa lẹ làng, vừa dứt khoát. Nền xi-măng hiện ra thẳng băng. Mấy anh em cùng tốp trêu, bảo sau này ai có xây nhà, xin liên hệ Hòa “thợ cả”! “Đúng là trăm hay chẳng bằng tay quen, hồi giờ ở thành phố, có bao giờ đụng tới mấy món này đâu, vậy mà cứ làm miết rồi cũng lên tay”, anh Hòa cười xòa.
Nông thôn đã đổi mới
Đêm xuống. Như bao làng quê khác, Phú Thiện chìm trong tĩnh lặng. Ngồi sau xe máy, trung úy Nguyễn Thanh Chương, Trung đội trưởng Đại đội Công binh (Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) hướng dẫn tôi lái xe đi qua những con đường cấp phối còn nguyên màu đất mới. Hai bên đường, những tường rào xi-măng, lưới B40 cứ là thẳng tắp. “Bà con mua gạch, xi-măng, anh em bộ đội xây hàng rào, kéo lưới. Nhà này làm xong sạch đẹp, nhà kia thấy vậy cũng “hùa theo”, nhưng quân số có hạn, mình không dám nhận hết!”, anh sĩ quan mới cưới vợ 3 tháng nay hào hứng kể.
“Hiện nay, Mỹ Hòa đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đang nỗ lực để đến cuối năm 2014 đạt thêm 4 tiêu chí. Bộ đội về giúp dân đã làm thay đổi căn bản nhận thức của bà con. Người dân không chỉ hiến đất chặt cây, mà còn góp công góp của vào từng phần việc cụ thể. Sự hỗ trợ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thật sự là động lực lớn để Mỹ Hòa tăng tốc trên con đường xây dựng nông thôn mới”.
Ông LÊ VĂN THỂ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ
Riêng xóm 5, đã có 4 cây số đường cấp phối được bộ đội giúp mở rộng. Bí thư Chi bộ thôn Phú Thiện Lê Văn Sanh bảo, dân mình gọi đó là “đường bộ đội”. “Trước, chỉ cần cái cộ trâu đi trên đường, chiếc xe hon-đa đi ngược lại phải né hết cỡ mà vẫn không tránh va đụng. Thấy đoạn đầu mở rộng, xe tải chạy ngon ơ, bà con bảo nhau lấp ruộng nhổ lúa để đường rộng kéo dài”, ông Sanh vui vẻ cho hay.
Theo thượng tá Nguyễn Trọng Khải, Phó ban Quân lực, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, mở rộng đường giao thông nông thôn chỉ là một trong những hoạt động của chương trình “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”. Bên cạnh công tác tuyên truyền, hoạt động xây dựng nông thôn mới chủ yếu hướng vào những việc làm cụ thể, thiết thực. 11 gia đình chính sách được hỗ trợ làm nhà vệ sinh tự hoại. Hơn 500 con gà giống tặng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo. Trụ sở thôn Phú Thiện được trang trí lại, nhà văn hóa thôn được tặng tủ sách. Và, còn biết bao phần việc phát sinh, nằm ngoài kế hoạch, dự tính. Như, thấy trụ cổng của Trường mẫu giáo thôn Phú Thiện bị sập đổ đã lâu, 2 chiến sĩ Phạm Trường Long và Phan Duy Lực được cắt cử đến sửa chữa.
Cứ thế, từng giọt mồ hôi đổ xuống, làm nên sự đổi thay từng ngày của diện mạo một vùng quê. Hiệu quả của chương trình không thể đo - đong - đếm được. Hơn ai hết, chính người dân của Phú Thiện đã thấy rõ sự đổi thay đó. Ông Trương Quang Anh, ở xóm 4, thật thà: “Bà con nghe chuyện quê mình xây dựng nông thôn mới đã lâu, cũng ủng hộ hết mức. Khi bộ đội về đây, mọi người càng góp công, góp của, chung sức xây dựng quê hương. Đường sá rộng mở, tường rào khang trang, ngõ xóm sạch sẽ, thoáng mát, chúng tôi mới thấy quê mình thật sự đổi mới!”. Ông Anh là người khuyết tật, chân trái chỉ còn chưa đầy nửa, được hỗ trợ làm nhà vệ sinh theo diện chính sách. Còn chị gái ông cũng được hỗ trợ làm nhà vệ sinh, nhưng theo diện hộ nghèo.
Sống giữa lòng dân
Thiếu tá Trần Văn Quân, Trợ lý dân vận của Ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là một trong những người tham gia chương trình “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” từ những ngày đầu. Trải qua thời gian dài gắn bó với người dân Cát Tài và Mỹ Hòa, thiếu tá Quân chia sẻ, ấn tượng sâu đậm nhất chính là tình cảm của bà con dành cho bộ đội. “Hồi ở Cát Tài, người góp xe củi, người thì mang đến cặp gà để các cháu có bữa ăn tươi. Chuyển sang Mỹ Hòa, bộ đội vẫn ở nhà dân, ăn tập trung. Chi hội Phụ nữ thôn phân công chị em đến phụ nấu nướng, có người mang bụng bầu vượt mặt vẫn xăng xái vào bếp. Có cụ già gần 80 chống gậy đến, chúng tôi nói sao cũng không chịu về, cứ nói để bà lặt rau cho mấy đứa cũng được mà”, anh Quân xúc động kể.
Nhà chỉ huy và bếp ăn tập thể của 55 cán bộ, chiến sĩ về Mỹ Hòa giúp dân xây dựng nông thôn mới được đặt tại căn nhà họ của ông Phạm Duy Khánh, ở xóm 5. Vợ chồng ông Khánh sống ngay bên cạnh, cả 4 người con trai đều làm ăn xa. Ngày 3 bận, “bác Sáu” (cách gọi thân mật của cánh lính trẻ) lại sang nhà bếp, ngó nghiêng xem tụi nhỏ ăn uống ra sao, coi thử bồn nước có vơi không để bơm thêm cho tụi nó tắm. Khoảng sân của nhà ông cũng được trưng dụng làm công trường, vừa chứa xi-măng, vừa là nơi đúc trụ làm hàng rào. “Tụi nó có được hưởng gì đâu, dân mình hưởng hết đấy chứ. Nên tui quý tụi nhỏ như con như cháu, làm được gì cho tụi nó thì tiếc chi!”, ông cười xòa.
Tình quân dân cá nước không chỉ được bồi đắp nên từ những tình cảm ngọt ngào. Nó còn tượng hình từ những khúc mắc được giải tỏa, để hướng đến lợi ích chung. Thiếu tá Trần Văn Quân kể, có ông cụ đã đồng ý lùi hàng rào vào để mở rộng đường, nhưng sau đó lại đổi ý. Suốt mấy ngày liền, trưa nào thiếu tá Quân và thượng tá Nguyễn Trọng Khải cũng đến nhà ông cụ, mỏng mềm thuyết phục. Cuối cùng thì ông cụ gật gù bảo: “Thôi mấy đứa cho xe múc vào đi”, anh Quân nhớ lại.
Chưa hết, các anh cũng đau đầu với “công trình” chuồng bò của ông Trương Đức Cừ. Người thương binh già kiên quyết không chịu dời chuồng bò ra sau vườn, bởi “con của phải ở gần nhà”. Nói hết nước hết cái, cuối cùng ông cũng để bộ đội góp công xây cái chuồng mới, cách nhà hơn 20m. Hôm tôi đến thăm, ông móm mém cười: “Giờ thì thấy bộ đội nói đúng, chuồng bò xa nhà đỡ hôi thối hẳn. Đầu nhà thông thoáng, cộ trâu vào lấy rơm cũng không lui cui khổ cực như trước nữa!”.
NGUYỄN VĂN TRANG