Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản: Những chuyển biến bước đầu
Năm 2014, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản (ATTP NLTS). PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLTS (thuộc Sở NN-PTNT) về vấn đề này.
● Xin ông cho biết kết quả công tác quản lý VTNN, ATTP NLTS ở tỉnh ta trong thời gian qua?
- Năm 2014, bên cạnh việc kiện toàn bộ máy quản lý chuyên ngành từ tỉnh đến cơ sở, Chi cục đã tham mưu cho Sở NN-PTNT xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo ATTP NLTS; triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) các mặt hàng NLTS; xây dựng Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng ATTP NLTS tỉnh Bình Định giai đoạn 2015-2020. Triển khai Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP và các thông tư của các bộ ngành Trung ương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP.
Chi cục cũng đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, chính quyền các địa phương tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các văn bản của Trung ương và của tỉnh trên lĩnh vực quản lý chất lượng VTNN, ATTP NLTS. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm. 9 tháng đầu năm nay, Chi cục đã phối hợp kiểm tra 399 cơ sở SXKD VTNN và NLTS. Qua đó đã phát hiện 70 cơ sở vi phạm các quy định của Nhà nước trên các lĩnh vực nói trên, đã lập biên bản, xử phạt hành chính 197 triệu đồng.
Ngoài ra, Chi cục còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát cảnh báo dư lượng kháng sinh cấm và các chất độc hại trong sản phẩm NLTS; đánh giá phân loại 132 cơ sở SXKD VTNN và sản phẩm NLTS trên địa bàn theo quy định của Bộ NN-PTNT. Kết quả có 81 cơ sở xếp loại A, 50 cơ sở loại B và tái kiểm tra loại C lên loại B một cơ sở.
● Được biết, công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP NLTS khá phức tạp, trong khi việc quản lý các hoạt động này vẫn còn những hạn chế?
- Có thể nói, các loại sản phẩm NLTS ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, tạo ra nguồn cung phong phú và ổn định, phục vụ tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Công tác quản lý chất lượng NLTS cũng có những chuyển biến tích cực, đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy vậy, cái khó là nhận thức của một số cơ sở SXKD và người tiêu dùng về vấn đề ATTP NLTS còn hạn chế. Thực tế kiểm tra cho thấy, nhiều chủ cơ sở SXKD các mặt hàng VTNN và NLTS chưa thực hiện đúng quy định của Nhà nước, nhiều loại VTNN kém chất lượng, độc hại vẫn lưu thông trên thị trường. Chất lượng các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y, giống gia súc, gia cầm, thức ăn gia súc… chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Nhiều địa phương chưa hình thành được các vùng sản xuất thực phẩm an toàn và chậm triển khai việc áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt vào thực tế. Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV vẫn còn diễn ra phổ biến ở các địa phương trong tỉnh. Trong khi đó, hoạt động kiểm tra, giám sát việc sử dụng phân bón, hóa chất BVTV, kháng sinh cấm, tạp chất trong tôm nguyên liệu và phương pháp sơ chế, bảo quản sản phẩm NLTS thực phẩm chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.
● Càng dần về cuối năm, hoạt động SXKD các mặt hàng NLTS càng sôi động, Chi cục sẽ triển khai những biện pháp gì nhằm quản lý tốt chất lượng VTNN và ATTP NLTS, thưa ông?
- Để công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP NLTS đạt hiệu quả, Chi cục tiếp tục tham mưu cho Sở NN-PTNT, UBND tỉnh củng cố bộ máy quản lý chất lượng VTNN, ATTP NLTS ở cơ sở, và tiếp tục phân công, phân cấp quản lý lĩnh vực này cho chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố theo tinh thần Thông tư 14 của Bộ NN-PTNT. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về các văn bản pháp luật của Nhà nước; các quy trình, quy phạm bảo đảm ATTP cho cán bộ quản lý, tổ chức, cá nhân SXKD các mặt hàng NLTS trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng về tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng ATTP.
Chi cục sẽ tăng cường các chương trình giám sát dư lượng hóa chất độc hại và kháng sinh cấm trong tôm nuôi, trong nông sản, thủy sản sau thu hoạch; tiến hành nhiều đợt kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng ATTP đối với các cơ sở SXKD các mặt hàng NLTS, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, Chi cục sẽ tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong quá trình quản lý, kiểm soát chất lượng VTNN; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; sản xuất, chế biến các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh sự nỗ lực của Chi cục, chính quyền các địa phương cũng cần kiện toàn bộ máy quản lý chất lượng VTNN, ATTP NLTS, tăng cường công tác quản lý chất lượng ATTP các mặt hàng NLTS; đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình, các vùng sản xuất NLTS theo hướng an toàn, bền vững hơn. Các đơn vị SXKD các mặt hàng nông sản, thực phẩm cũng cần thực hiện nghiêm túc các pháp lệnh về giống cây trồng, vật nuôi, thú y… nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa nông sản, thực phẩm đảm bảo ATTP trước khi đưa ra thị trường.
● Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)