Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Chủ động trước “làn sóng” mới
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng qua cả nước thu hút thêm hơn 11,18 tỷ USD vốn ĐTNN, bằng 75% kết quả cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy, khoảng cách "thấp hơn so với cùng kỳ" đang dần được thu hẹp bởi kết quả thu hút ĐTNN của hai quý đầu chỉ nhỉnh hơn 50% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các dự án ĐTNN cũng thực hiện giải ngân được 8,9 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ, thể hiện niềm tin cũng như sự quyết tâm làm ăn lâu dài của giới đầu tư ngoại ở Việt Nam.
Trong một diễn biến mới nhất, Tập đoàn Hạnh Phúc (Đài Loan) vừa cho biết ý định đầu tư khoảng 1 tỷ USD để xây dựng dự án tổ hợp du lịch sinh thái đẳng cấp quốc tế. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ biến 516ha đất ven biển Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) trở thành một sân golf, khu đô thị mới, khách sạn hạng sang cùng các hạng mục vui chơi giải trí. Chính quyền tỉnh đã đề nghị chủ đầu tư sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết cùng với việc mở văn phòng thường trú tại đây để thuận tiện cho việc liên lạc, trao đổi khi cần thiết. Nếu không có gì thay đổi thì dự án sẽ được cấp phép ngay trong tháng 10-2014 và thêm 1 tỷ USD sẽ được bổ sung vào kết quả thu hút vốn ĐTNN trong năm nay. Đây cũng là nguồn lực mới để Quảng Ninh vươn lên theo đúng chủ trương phát triển bền vững nhờ nguồn tài nguyên và du lịch biển, là chỗ dựa để chuyển dịch kinh tế theo hướng hiện đại.
Một tin rất vui khác là Hội đồng thẩm định dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) vừa họp và thông qua bản báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này trước khi trình Thủ tướng quyết định. Nếu được chấp thuận, nhà đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Tập đoàn Dầu mỏ Arab Saudi có thể tiến hành đấu thầu từ cuối năm 2016 và khởi công dự án ngay đầu năm 2017. Đây là dự án quy mô rất lớn, lên tới 22 tỷ USD và chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Cũng không thể phủ nhận tầm vóc và sức tác động lan tỏa rộng khắp của một siêu dự án như vậy, bởi nó chắc chắn sẽ hỗ trợ Bình Định cũng như toàn vùng Trung Trung bộ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm và nguồn thu trên địa bàn.
Cũng tại thời điểm cuối tháng 9, nhiều tập đoàn đa quốc gia, DN lớn của các đối tác cũng khẳng định quyết tâm tập trung đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Đơn cử, Samsung đang tiếp tục mở rộng đầu tư để biến Việt Nam thành "cứ điểm" sản xuất, lắp ráp và xuất khẩu điện thoại chất lượng cao. Trong khi đó, một số hiệp hội DN Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng dồn dập tổ chức các cuộc thâm nhập thực tế để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, hướng tới mục tiêu xây dựng cơ sở sản xuất ở các khu công nghiệp tại Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, đó cũng là phản ứng tích cực khi giới ĐTNN muốn tận dụng cơ hội mới, đón lõng giai đoạn sau khi Việt Nam kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương vào đầu năm 2015.
Tuy nhiên, trước bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, từ đó càng gây ra sự cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút vốn ĐTNN thì luôn đặt ra yêu cầu thu hút vốn ngoại một cách bài bản, giàu sức thuyết phục. Chính phủ đã xác định biện pháp quan trọng nhất là cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ĐTNN kết hợp với việc đa dạng hóa các hình thức thu hút vốn. Trong các cuộc họp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chủ trương tăng cường hỗ trợ DN nói chung, rà soát các công đoạn liên quan đến việc đăng ký thành lập, vận hành của DN đồng thời cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục thuế, hải quan cho DN, kết hợp việc kiên quyết loại bỏ những thủ tục vô lý, gây khó khăn cho DN. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, phải quyết tâm tạo môi trường minh bạch, thông thoáng và tinh thần chủ động hỗ trợ DN và cải cách hành chính là biện pháp dễ hiểu, dễ thực hiện nếu có ý thức tự giác, cầu thị của cơ quan chức năng; đồng thời lại không tốn kém tiền vốn so với các biện pháp khác…
Theo Hồng Sơn (HNM)