Nâng cao chất lượng cá ngừ xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản:
Tiếp tục củng cố và nhân rộng mô hình
Mới đây, UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Hội hữu nghị Nhật-Việt tại Sakai và Công ty Kato Hitoshi General Office (Kato Office) của Nhật Bản, bàn giải pháp duy trì và phát triển mô hình khai thác, thu mua và xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đại dương (CNĐD) theo chuỗi sang Nhật...
Tập trung nâng cao hiệu quả mô hình
Theo ông Trần Duy Lâm, Trưởng phòng Thủy sản (Sở NN-PTNT), ngành Nông nghiệp tỉnh đã làm việc với Đoàn công tác thủy sản Nhật Bản và Công ty cổ phần thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) đánh giá hoạt động của mô hình khai thác, thu mua và xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm CNĐD theo chuỗi sang Nhật Bản. Các bên đã thống nhất đánh giá: Số lượng CNĐD ngư dân khai thác được chưa nhiều; màu sắc và chất lượng sản phẩm xuất sang thị trường Nhật Bản không đồng đều.
Nguyên nhân của những hạn chế nói trên một phần là do thời điểm ngư dân mở biển khai thác CNĐD có gió Nam mạnh, nhiệt độ nước biển cao, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng CNĐD đánh bắt được. Mặt khác, phần lớn bà con ngư dân không tuân thủ quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn. Việc liên kết các chủ tàu tham gia mô hình chưa chặt chẽ và cũng không thống nhất. Ngư dân còn tư tưởng chạy theo số lượng và chưa hài lòng với giá mua tăng thêm của BIDIFISCO. Chi phí đưa sản phẩm CNĐD sang đấu giá tại thị trường Nhật Bản còn cao, ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp...
Trên cơ sở phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện mô hình khai thác, thu mua và xuất khẩu sản phẩm CNĐD theo chuỗi sang Nhật, các bên đã bàn bạc và thống nhất các giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình. Trong đó, đối với việc giảm chi phí để tăng lợi nhuận, BIDIFISCO và Công ty Kato Office phối hợp tìm và kết nối các chuyến bay nhằm sớm đưa sản phẩm đến thị trường Nhật Bản, không phải lưu kho trong thời gian dài. BIDIFISCO tăng cường năng lực đánh giá, phân loại và định giá sản phẩm tại nguồn. Kato Office mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm CNĐD của ngư dân tham gia mô hình. Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp với Kato Office tập huấn, hướng dẫn ngư dân thực hiện thuần thục quy trình kỹ thuật khai thác, xử lý và bảo quản sản phẩm.
Kato Office cũng đã thống nhất nội dung kế hoạch của tỉnh đưa sản phẩm CNĐD qua thị trường Nhật Bản trong thời gian tới. Tiếp tục thực hiện bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Bình Định và Hội hữu nghị Nhật-Việt tại Sakai, trọng tâm là hỗ trợ tỉnh để thực hiện mô hình thí điểm khai thác, thu mua, xuất khẩu CNĐD sang Nhật Bản. Hội hữu nghị Nhật-Việt tại Sakai cùng Kato Office thống nhất làm việc với Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tìm nguồn hỗ trợ thực hiện dự án củng cố, mở rộng mô hình thí điểm để chuẩn bị cho vụ cá chính năm 2014-2015 bắt đầu từ tháng 12.2014; trong đó có việc hỗ trợ về giá cho ngư dân trong việc mua các bộ thiết bị và công nghệ khai thác CNĐD của Nhật Bản.
Hội hữu nghị Nhật-Việt tại Sakai tiếp tục hỗ trợ
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc khẳng định: Tỉnh Bình Định đã và đang quyết tâm thực hiện việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm CNĐD xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Bên cạnh việc củng cố mô hình khai thác, bảo quản và tiêu thụ CNĐD theo chuỗi tại huyện Hoài Nhơn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng thêm 3 mô hình khác tại huyện Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn. Mỗi tổ như vậy có khoảng 5 người, chọn những ngư dân có tâm huyết, tự nguyện tham gia mô hình. Ngư dân tham gia các mô hình sẽ được ưu tiên vay vốn ngân hàng để đầu tư đóng tàu mới và mua các trang thiết bị máy móc, ngư lưới cụ... theo tinh thần Nghị quyết 67 của Chính phủ, tỉnh sẽ đứng ra bảo lãnh nguồn vốn vay. UBND tỉnh sẽ nhập thêm các bộ thiết bị và công nghệ câu CNĐD của Nhật Bản, phấn đấu trang bị thêm mỗi tàu cá của ngư dân tham gia mô hình từ 3-4 bộ thiết bị và công nghệ câu CNĐD theo kiểu Nhật Bản; hỗ trợ ngư dân cải tạo lại hầm bảo quản trên tàu; tổ chức tập huấn cho ngư dân sử dụng thành thạo quy trình kỹ thuật. Tỉnh cũng đã chỉ đạo BIDIFISCO cử cán bộ sang Nhật học phương pháp đánh giá, phân loại, định giá và tính toán mua sản phẩm với giá cao nhằm khuyến khích ngư dân.
Chất lượng CNĐD của Bình Định không hề thua kém chất lượng cá ngừ các nước khác xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản. Người tiêu dùng Nhật Bản cũng đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu sản phẩm CNĐD xuất xứ từ Bình Định
Nhận xét về chất lượng CNĐD của Bình Định của ông Hirosuke Kato - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật-Việt tại Sakai, kiêm Chủ tịch Công ty Kato Office và ông Masakazu Shoga, chuyên gia về thủy sản của Kato Office
Ông Hirosuke Kato - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật-Việt tại Sakai, kiêm Chủ tịch Công ty Kato Office và ông Masakazu Shoga, chuyên gia về thủy sản của Kato Office, cho biết: Chất lượng CNĐD của Bình Định không hề thua kém chất lượng cá ngừ các nước khác xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản. Người tiêu dùng Nhật Bản cũng đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu sản phẩm CNĐD xuất xứ từ Bình Định. Thị trường tiêu thụ CNĐD của Bình Định tại Nhật Bản luôn rộng mở, nhưng cũng rất khắt khe. Vấn đề quan trọng là phải khắc phục dứt điểm các hạn chế trong khai thác, bảo quản, xử lý, phân loại, định giá CNĐD trước khi đưa sang Nhật.
Hội hữu nghị Nhật-Việt tại Sakai và Kato Office vui mừng khi lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng và BIDIFISCO quyết tâm củng cố và mở rộng mô hình khai thác, bảo quản và xuất khẩu CNĐD theo chuỗi sang thị trường Nhật Bản, sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh thực hiện vấn đề nói trên, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tìm nguồn vốn hỗ trợ ngư dân mua thêm các trang thiết bị để khai thác CNĐD hiệu quả hơn.
PHẠM TIẾN SỸ