Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Núi Một lại bị xâm hại
Gần đây, nhiều đối tượng thường xuyên lén lút khai thác lâm sản trái phép, xâm hại nghiêm trọng khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn (RPHĐN) hồ Núi Một.
Qua phản ảnh của người dân địa phương, những ngày đầu tháng 10.2014, chúng tôi tìm về khu vực RPHĐN hồ Núi Một (địa bàn giáp ranh giữa huyện Vân Canh, Tây Sơn và thị xã An Nhơn) để tìm hiểu mức độ xâm hại mà những cánh rừng nơi đây đang phải đối mặt.
Phương tiện và tang vật vi phạm đang được tạm giữ tại Trạm Kiểm lâm An Trường.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Chỉ huy phó Ban chỉ huy Quân sự xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn), chia sẻ: “Nhìn bên ngoài, những cánh rừng tại khu vực RPHĐN hồ Núi Một có vẻ “yên”, nhưng vào sâu bên trong thì khá “động”; các đối tượng lâm tặc thường xuyên lén lút vào rừng để khai thác gỗ, chiếm rừng, đặc biệt là khu vực rừng thuộc địa bàn huyện Vân Canh. Do các đối tượng hoạt động lén lút nên việc truy quét tận gốc, bắt quả tang ngay tại địa điểm khai thác gặp không ít khó khăn. Hầu hết các vụ phát hiện, bắt giữ tang vật, phương tiện chỉ được ngành chức năng thực hiện khi các đối tượng đang vận chuyển gỗ bán thành phẩm đưa đi tiêu thụ”.
Còn theo thống kê của Trạm Kiểm lâm (KL) An Trường - Hạt KL thị xã Nhơn An: Từ đầu năm đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát tại khu vực RPHĐN hồ Núi Một - thuộc địa bàn thôn Thọ Tân Bắc và Thọ Tân Nam (xã Nhơn Tân) - Trạm đã phát hiện 7 vụ vận chuyển lâm sản trái phép (trong đó có 3 vụ phát hiện vào tháng 9.2014); qua đó, thu giữ 1,145m3 gỗ (chủ yếu là gỗ Gụ Lau nhóm IIA) và 9 xe mô tô các loại. Hầu hết các đối tượng vi phạm khi bị lực lượng tuần tra phát hiện đều vứt bỏ tang vật, phương tiện tại hiện trường để thoát thân. Việc bắt giữ tang vật, phương tiện chỉ là xử lý “phần ngọn”; các đối tượng lâm tặc sau khi thoát thân lại tiếp tục lén lút vào rừng để khai thác, chặt phá gỗ - đây mới chính là “phần gốc” cần ngăn chặn triệt để, nhưng dường như ngành chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Sau khi triệt hạ thành công cây gỗ, để vận chuyển ra khỏi rừng và đưa đi tiêu thụ, lâm tặc chủ yếu đi theo các hướng: Từ hồ Núi Một ra địa bàn thôn Thọ Tân Bắc và Thọ Tân Nam; hướng từ hồ Núi Một qua địa bàn xã Vĩnh An, Tây Xuân (Tây Sơn); hướng từ hồ Núi Một qua địa bàn làng Canh Tiến, xã Canh Liên, rồi sau đó tìm cách vận chuyển về địa bàn thị trấn Vân Canh (Vân Canh). Tùy vào thời điểm, tình hình mà đối tượng lâm tặc chọn hướng đi sao cho việc vận chuyển gỗ được an toàn; tránh “đụng mặt” với lực lượng chức năng. Với nhiều biện pháp đối phó tinh vi, lâm tặc đã “vượt ngoài tầm kiểm soát” của lực lượng chức năng.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Trạm trưởng Trạm KL An Trường, khẳng định: “Hiện các cánh rừng thuộc RPHĐN hồ Núi Một nằm trên địa bàn thị xã An Nhơn không xảy ra tình trạng lâm tặc chặt phá, khai thác cây rừng; tại địa phương chỉ có tình trạng lâm tặc sử dụng đường đi từ hồ Núi Một qua thôn Thọ Tân Nam và Thọ Tân Bắc để vận chuyển lâm sản trái phép. Trước thực trạng này, Trạm thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và Trạm Quản lý, bảo vệ rừng hồ Núi Một - thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Vân Canh tăng cường tuần tra, kiểm soát, mật phục để ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng cùng tang vật, phương tiện. Thế nhưng, hầu hết các đối tượng khi bị phát hiện đều tìm cách “bỏ của chạy lấy người” nên khó truy cứu, xử lý triệt để”.
Theo thống kê của BQLRPH huyện Vân Canh, từ đầu năm đến nay, BQL phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương có liên quan tổ chức 50 đợt tuần tra, kiểm soát tại khu vực RPHĐN hồ Núi Một, qua đó, tịch thu hơn 8,6 m3 gỗ các loại; 15 xe mô tô; tiêu hủy 16 lò hầm than…
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc BQLRPH huyện Vân Canh, cho biết: “BQL thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng của huyện Vân Canh và Tây Sơn lập trạm chốt chặn, kiểm tra tại khu vực giáp ranh giữa 2 địa phương để kiểm soát, truy quét cả bên trong, lẫn bên ngoài khu vực RPHĐN hồ Núi Một. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, nhiều đường vận chuyển; các đối tượng lâm tặc hoạt động lén lút, tìm nhiều mánh khóe né tránh lực lượng chức năng. Số vụ bị phát hiện, bắt giữ là còn ít so với thực trạng phá rừng hiện nay. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo Trạm Quản lý, bảo vệ rừng hồ Núi Một, cũng như phối hợp với lực lượng chức năng, các địa phương lân cận tăng cường kiểm soát, bảo vệ RPHĐN hồ Núi Một”.
Như vậy có thể thấy ra rằng, ngành chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để mang lại bình yên cho RPHĐN hồ Núi Một.
CÔNG LUẬN